Phủ xanh đất mỏ: Hành trình bền vững từ Mỏ Núi Pháo

Phủ xanh đất mỏ: Hành trình bền vững từ Mỏ Núi Pháo
6 giờ trướcBài gốc
Mỏ Núi Pháo được phủ xanh bằng cây keo và nhiều loại cỏ.
Từ cải tạo đất đến phục hồi hệ sinh thái
Chỉ tính riêng năm 2024, Núi Pháo đã triển khai cải tạo môi trường trên diện rộng với các hoạt động chăm sóc, duy trì định kỳ cho các khu vực đã phục hồi từ trước, đồng thời phủ xanh thêm 0,71ha sườn tầng tại bãi thải phía Bắc bằng cây keo lai và các loại cỏ địa phương. Tổng diện tích đã được cải tạo, phục hồi đến hết năm 2024 lên tới 64,61ha, một con số ấn tượng thể hiện cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Cây keo lai tiếp tục được lựa chọn là loài chủ lực trong phục hồi sinh thái nhờ khả năng sinh trưởng mạnh, thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu khu vực mỏ. Trong năm, Công ty đã trồng mới 1.550 cây keo lai, đồng thời chăm sóc cây đã trồng trên diện tích khoảng 8,28ha.
Công nhân chăm sóc cây cỏ trong khu vực nhà máy.
Đặc biệt, việc kết hợp trồng keo lai với các giống cỏ bản địa không chỉ chống xói mòn hiệu quả mà còn thúc đẩy sự phục hồi hệ sinh thái, tạo môi trường sống cho các loài sinh vật bản địa. Theo theo dõi thực tế, khu vực phục hồi đã thu hút trở lại các loài côn trùng, vi sinh vật, và động, thực vật địa phương, cho thấy những dấu hiệu tích cực về đa dạng sinh học.
Cây năng lượng và triển vọng phát triển bền vững
Bên cạnh các hoạt động phục hồi thông thường, năm 2024, cũng đánh dấu kết thúc thành công của Dự án trồng cây năng lượng (CPEP) hợp tác giữa Công ty Núi Pháo và Viện Môi trường UFU (Đức) - một phần trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.
Trong suốt 8 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Xác định cây keo lai và cỏ VA06 là hai loài có khả năng phục hồi đất hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương; khẳng định khả năng hấp thụ CO₂ đáng kể của cây keo lai: khoảng 172 tấn CO₂/ha sau 6 năm, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; mở ra tiềm năng nhân rộng mô hình ra cộng đồng, vừa cải tạo đất, vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều loài thủy trúc được trồng để thanh lọc nguồn nước thải.
Sự kiện tổng kết Dự án ngày 31/10/2024 với sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và UFU đã ghi nhận những đóng góp tích cực của Dự án trong việc tái tạo đất mỏ, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Phát triển gắn với trách nhiệm môi trường
Chia sẻ về định hướng sắp tới, đại diện Công ty Núi Pháo nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng và chính quyền địa phương để phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, phát triển hệ sinh thái bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cây xanh không chỉ là biểu tượng tái sinh của đất mỏ mà còn là cam kết phát triển hài hòa với thiên nhiên.”
Với những kết quả thiết thực đã đạt được và tầm nhìn chiến lược dài hạn, Mỏ Núi Pháo không chỉ là một địa danh khai khoáng - mà đang từng bước trở thành biểu tượng của "khai thác có trách nhiệm, phục hồi bền vững" tại Việt Nam.
N.P.M
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202505/phu-xanh-dat-mo-hanh-trinh-ben-vung-tu-mo-nui-phao-53906a6/