Người dân ở Dải Gaza đang phải vật lộn với nạn đói do xung đột và việc hạn chế viện trợ của Israel. (Nguồn: Anadolu)
Hãng tin AFP cho hay, ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Canada đã ra tuyên bố chung nêu rõ, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza hiện nay là “không thể chấp nhận được” và yêu cầu chính phủ Israel phải “ngay lập tức cho phép viện trợ nhân đạo đến với người dân”.
Theo tuyên bố, việc Israel hạn chế viện trợ các hàng hóa thiết yếu vào Gaza có thể vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Các nước kêu gọi Israel ngừng chiến dịch quân sự mới ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng các biện pháp cụ thể như trừng phạt có mục tiêu nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Ba nước cũng phản đối bất kỳ hành động nào nhằm mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, vốn bị xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao do Mỹ, Qatar và Ai Cập dẫn đầu nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Hamas và Israel.
Bên cạnh đó, Anh, Pháp và Canada cũng tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Israel đang tiến hành chiến dịch quân sự mới ở dải Gaza từ ngày 17/5, trong khi đã đình chỉ mọi hoạt động viện trợ chính thức cho Gaza từ ngày 2/3, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức cứu trợ và cả Liên hợp quốc (LHQ).
Phản ứng trước tuyên bố trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, tuyên bố này có thể khuyến khích các cuộc tấn công tương tự như vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023. Nhà lãnh đạo Israel khẳng định sẽ tiếp tục có các hành động tự vệ cho đến khi đạt được thắng lợi.
Về phía Hamas, lực lượng này ủng hộ tuyên bố chung của Anh, Pháp và Canada, cho rằng các hướng đi trong tuyên bố chung phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh nước này có kế hoạch duy trì quyền kiểm soát toàn bộ Gaza và sẽ tiến hành chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu, như việc các con tin còn lại phải được thả và phi quân sự hóa Gaza.
Về vấn đề viện trợ nhân đạo cho dải Gaza, Thủ tướng Netanyahu thông báo sẽ cho phép “một lượng thực phẩm cơ bản” được chuyển vào dải đất này sau hơn 11 tuần gián đoạn. Tuy nhiên, một số thành viên trong nội các của Thủ tướng Netanyahu vẫn đang có ý phản đối.
Trong một động thái riêng rẽ, cùng ngày 20/5, Anh đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại tự do (FTA) với Israel cũng như tuyên bố sẽ xem xét lại hợp tác và triệu Đại sứ của nước này tới Bộ Ngoại giao để thể hiện lập trường cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với các cuộc tấn công của quốc gia Trung Đông tại Dải Gaza.
Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Anh David Lammy chỉ trích hành động mở rộng các hoạt động quân sự của Israel trên Dải Gaza là "vô lý", đồng thời phản đối việc Israel ngăn cản viện trợ, mở rộng xung đột, phớt lờ mối quan tâm của bạn bè và đối tác, đẩy cuộc xung đột vào một “giai đoạn đen tối mới".
Ông nhấn mạnh: “Điều này không thể biện minh và cần phải chấm dứt".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Oren Marmorstein cho rằng, quyết định trên của Anh sẽ “gây tổn hại đến nền kinh tế Anh”.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác cũng đã gia tăng áp lực buộc Israel từ bỏ chiến dịch quân sự tăng cường ở Dải Gaza, cũng như gây sức ép để nước này cho phép thêm hàng cứu trợ vào vùng lãnh thổ bị xung đột tàn phá.
AFP dẫn lời Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết, "phần lớn" các ngoại trưởng từ 27 quốc gia thành viên của khối đã ủng hộ việc rà soát Thỏa thuận Liên kết giữa khối này và Israel - khuôn khổ điều chỉnh quan hệ thương mại và hợp tác chính trị giữa hai bên.
Nữ chính trị gia EU nói thêm, "các quốc gia nhận thấy tình hình ở Gaza là không thể chấp nhận được... và điều chúng tôi muốn là gỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo". Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt những người định cư Israel có hành vi bạo lực tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Từ Thụy Điển, quốc gia này xác nhận sẽ gây sức ép với EU để đưa ra lệnh trừng phạt đối với các bộ trưởng Israel.
Bảo Minh