Cây tai chua mọc rải rác trong những cánh rừng sâu, phân bổ chủ yếu ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ.
Đây là loại cây hoang dã, mọc hoàn toàn tự nhiên và được bà con vùng cao “săn đón” vì quả của chúng có vị chua thanh, được sử dụng làm thức ăn khá phổ biến.
Quả tai chua được xem là đặc sản "trời ban" ở vùng núi phía Bắc, mỗi năm chỉ có một mùa. Ảnh: Dung Ma Thi
Anh Nguyễn Giá – một thợ rừng ở Lào Cai cho biết, quả tai chua có vẻ ngoài rất giống ổi nhưng kích thước lớn hơn, chia thành nhiều múi rõ rệt.
Khi còn non, quả có màu xanh mướt nhưng lúc chín lại chuyển màu vàng. Quả chín có thể ăn trực tiếp giống măng cụt nhưng chỉ nên thưởng thức phần thịt, không ăn hạt vì dễ bị say.
Trong khi đó, quả tai chua xanh được bà con địa phương thu hái về làm thức ăn, có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc khô tùy ý.
“Phần thịt bên trong quả tai chua có màu trắng hoặc ngả vàng, ăn chua chua ngọt ngọt giống măng cụt. Tuy nhiên, hạt của loại quả này lại có thể gây say nhẹ nên người ta thường chỉ ăn phần thịt quả mà thôi”, anh nói.
Quả tai chua chín có thể ăn ngay phần ruột, vị giống măng cụt. Ảnh: Thợ Rừng
Còn quả xanh bỏ hạt, thái mỏng rồi phơi khô, dùng làm gia vị cho các món canh chua. Ảnh: Dung Ma Thi
Theo chia sẻ của người đàn ông có 7 năm kinh nghiệm săn đặc sản núi rừng, thời điểm quả tai chua vào mùa là khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch.
Khi ấy, bà con lại rủ nhau vào rừng khai thác loại quả này về bán hoặc sấy, phơi khô để bảo quản và sử dụng quanh năm.
Anh Giá cho hay, quả tai chua thu hoạch khá vất vả, lại chỉ có vài tháng nhất định nên giá thành hơi cao, khoảng 180.000 đồng – 250.000 đồng/kg (dạng khô). Còn quả tươi rẻ hơn, chừng 70.000 – 90.000 đồng/kg.
“Cây tai chua mọc trong rừng nên đi lấy không đơn giản, trong đó, việc leo trèo là khó nhất vì loại cây này rất cao, thân mọc thẳng đứng, còn các cành, nhánh cây lại giòn, dễ gãy.
Nếu không phải người có kinh nghiệm và biết leo trèo thì khó có thể leo lên cây để hái được quả tai chua”, anh Giá chia sẻ.
Người dân vất vả thu hái quả tai chua mọc trong rừng. Ảnh: Thợ Rừng
Người đàn ông này cũng tiết lộ, quả tai chua mọc tự nhiên nên lành và sạch, lại có vị chua dịu, mùi thơm đặc trưng nên được ưa chuộng ở cả miền núi và miền xuôi.
Để có thể bảo quản và sử dụng quanh năm, bà con địa phương thường rửa sạch quả tai chua tươi, bổ đôi rồi bỏ hạt, thái thành các lát mỏng, đem phơi nắng hoặc sấy khô.
“Quả tai chua thái lát đem phơi nắng là cách làm phổ biến nhất, không chỉ sử dụng tiện lợi mà còn giúp giữ nguyên hương vị ban đầu.
Tuy nhiên, cần phải phơi 2-3 hôm cho đến khi thấy miếng tai chua ngả sang màu cánh gián”, người đàn ông quê Lào Cai cho hay.
Quả tai chua thái lát, đem phơi vài nắng là có thể bảo quản và sử dụng quanh năm. Ảnh: Dung Ma Thi
Món cá kho tai chua đậm đà, tốn cơm. Ảnh: Dung Ma Thi
Quả tai chua sau khi thái lát, phơi khô có thể dùng làm gia vị thay thế cho me, sấu, chanh khi chế biến các món quen thuộc như lẩu hải sản, canh chua, canh rau ngót, cá kho…
Trong đó đơn giản và được ưa chuộng hơn cả là tai chua dầm cùng nước rau muống luộc, tạo thành món ngon dân dã không thể thiếu trong mâm cơm của nhiều gia đình miền Bắc khi vào hè. Nhiều người nhận định, món canh sử dụng quả tai chua ngon hơn khi dùng sấu, me.
Ngoài ra, tùy sở thích từng nhà mà người ta còn hãm vài lát tai chua khô thành thức uống giải nhiệt, vị ngon không kém sấu, me hay dâu.
Món cá kho thêm vài lát tai chua phơi khô vừa dậy mùi thơm, vừa khử mùi tanh của cá.
Thảo Trinh