Quan hệ Mỹ - Đan Mạch:Đứng trước thử thách mới

Quan hệ Mỹ - Đan Mạch:Đứng trước thử thách mới
2 ngày trướcBài gốc
Greenland đang trở thành điểm nóng trong cuộc đua địa chính trị. Ảnh: High North News
Phó Tổng thống Mỹ James David Vance cùng phu nhân và nhiều quan chức cấp cao đã đến thăm căn cứ quân sự Pituffik của nước này tại Greenland trong một chuyến đi bị thu hẹp quy mô vì sự phản đối của người dân Đan Mạch.
Ông James David Vance cáo buộc Đan Mạch đầu tư không đủ cho an ninh của Greenland và yêu cầu Copenhagen thay đổi cách tiếp cận khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục nói về việc tiếp quản vùng lãnh thổ này. Phó Tổng thống James David Vance nhấn mạnh, Mỹ "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc đưa ra lập trường để bảo đảm an ninh cho Greenland và khuyến khích hòn đảo này đấu tranh giành độc lập khỏi Đan Mạch.
Phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ phía Đan Mạch. Thủ tướng nước này Mette Frederiksen nhấn mạnh: "Nhiều năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ người Mỹ trong những tình huống rất khó khăn. Việc Phó Tổng thống Mỹ nói về Đan Mạch là không đúng".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã chỉ trích Mỹ vì sự thiếu tôn trọng. Phát biểu trong một thông điệp kéo dài 2 phút, ông đã kêu gọi chấm dứt thông điệp thù địch từ Washington. Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen lưu ý, Đan Mạch công nhận lợi ích của Mỹ trong sự ổn định ở Bắc Cực và chỉ ra thỏa thuận quốc phòng năm 1951 là cơ sở phù hợp cho sự hợp tác sâu hơn. Ông cũng nhắc lại, Greenland đang được bảo vệ bởi các bảo đảm phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đầu tháng này, Đan Mạch đã công bố mức tăng đáng kể trong chi tiêu quốc phòng ở Bắc Cực, bao gồm việc triển khai thêm nhân sự, tàu thuyền để tăng cường dấu ấn hoạt động của mình trong khu vực. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đan Mạch sẽ thực hiện chuyến thăm Greenland từ ngày 2 đến 4-4. Động thái này để khẳng định, chính quyền Copenhagen không thờ ơ với Greenland như Nhà Trắng chỉ trích.
Thực tế, ngay từ khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai bày tỏ ý định muốn mua Greenland từ Đan Mạch vào tháng 8-2019, coi đây là một "thương vụ bất động sản lớn". Đề xuất này từng bị Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland bác bỏ mạnh mẽ.
Ngay sau khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump liên tục bộc lộ mong muốn sẽ chiếm Greenland và chỉ trích Đan Mạch là không bảo vệ đúng cách khu vực Bắc Cực. Ông Donald Trump cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự hoặc áp lực kinh tế để kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới, cách New York khoảng 4 giờ bay. Những tuyên bố của “ông chủ” Nhà Trắng, từ lời hứa sẽ làm cho người dân Greenland trở nên “giàu có” đến những lời đề nghị hung hăng hơn, đã gây ra "báo động" ở Đan Mạch.
Greenland nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, có diện tích hơn 2,1 triệu ki lô mét vuông nhưng dân số chỉ khoảng 56.000 người. Đây là một vùng lãnh thổ giàu tài nguyên, bao gồm: Dầu mỏ, khí đốt, uranium, đất hiếm. Lượng băng tan do biến đổi khí hậu đang mở ra các tuyến hàng hải mới như tuyến đường biển Phương Bắc - một huyết mạch vận tải hàng hải Bắc Cực mới được khai phá của Nga, dài khoảng 5.600km. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, trong khi tuyến đường biển cũ từ biển Hoa Đông đến biển Bắc khoảng 9.000km và phải đi qua kênh đào Suez. Nói cách khác, vị trí chiến lược của Greenland đã khiến Bắc Cực trở thành điểm nóng trong cuộc đua địa chính trị, với sự cạnh tranh giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước Bắc Âu. Greenland, với vị trí then chốt, trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Greenland thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác khoáng sản. Năm 2018, Bắc Kinh đề xuất xây dựng sân bay và cảng biển trên hòn đảo này, khiến Mỹ lo ngại về ảnh hưởng bị thu hẹp. Mua Greenland sẽ giúp Mỹ ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng địa bàn ở Bắc Cực. Trong khi Mỹ coi đây là vấn đề an ninh quốc gia, Đan Mạch và Greenland muốn bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế. Tương lai quan hệ hai nước đang đứng trước thử thách lớn khi Bắc Cực, trong đó có Greenland, được nhận định sẽ trở thành "chiến trường mới" của thế kỷ XXI.
Quỳnh Dương (Theo Politico, Euronews)
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/quan-he-my-dan-mach-dung-truoc-thu-thach-moi-697389.html