Khu di tích danh thắng Côn Sơn. Ảnh: Vương Lộc
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào 13:02, ngày 12-7 (giờ Paris), tức 18:02 ngày 12-7 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), diễn ra từ ngày 6 đến 16-7 ở thủ đô Paris (Pháp), theo TTXVN.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng. Nơi đây quy tụ nhiều điểm đến nổi bật như di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương…
Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, tỉnh Bắc Ninh (mới). Ảnh: Vương Lộc
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ 13 bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo TTXVN, các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại, như giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Trước đó, Việt Nam đã có 8 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023), Phố cổ Hội An (1999), Thánh địa Mỹ Sơn (1999), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015), Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành nhà Hồ (2011) và Quần thể danh thắng Tràng An (2014).
Đăng Huy