Điểm mấu chốt không nằm ở việc có đổi mới hay không, mà là ở cách doanh nghiệp tư duy và quản trị sự đổi mới ấy. Đổi mới không đơn thuần là tạo ra cái mới, mà là giải quyết vấn đề cũ theo cách tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn - dựa trên việc thấu hiểu khách hàng và thị trường.
Một trong những rào cản lớn nhất mà tôi thường gặp khi huấn luyện doanh nghiệp là “tư duy bảo thủ trong vỏ bọc ổn định”. Khi một mô hình kinh doanh từng thành công, nhiều nhà lãnh đạo có xu hướng trì hoãn thay đổi vì sợ rủi ro. Nhưng trong thời đại số, chính sự ổn định kéo dài lại là rủi ro lớn nhất. Đổi mới không còn là lựa chọn để phát triển, mà là điều kiện để tồn tại.
Quản trị đổi mới sáng tạo: Làm sao để không bị tụt hậu?
Vậy làm sao để quản trị đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả?
Thứ nhất, bắt đầu từ tầm nhìn và hệ giá trị. Doanh nghiệp cần đặt sáng tạo vào chiến lược dài hạn, xây dựng văn hóa khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi, đưa ra ý tưởng, và chấp nhận thử nghiệm – kể cả thất bại. Thứ hai, kiến tạo một hệ thống quản trị đổi mới: từ quy trình thu nhận ý tưởng (từ nhân viên, khách hàng, đối tác), cơ chế lọc và thử nghiệm nhanh, đến việc đo lường giá trị tạo ra từ đổi mới. Đổi mới không thể dựa vào cảm hứng, mà phải được tích hợp vào vận hành như một hệ thống. Thứ ba, đầu tư vào năng lực con người. Hãy đào tạo đội ngũ biết lắng nghe xu hướng, biết học hỏi từ thị trường và biết chuyển hóa kiến thức thành giải pháp thực tiễn. Một tổ chức học tập nhanh hơn là một tổ chức có thể đổi mới liên tục.
Như Jack Welch từng nói: “Nếu tốc độ thay đổi bên ngoài lớn hơn bên trong, thì ngày tàn của doanh nghiệp chỉ còn là vấn đề thời gian”. Trong kỷ nguyên số, năng lực đổi mới không phải là điểm cộng, mà là điều bắt buộc. Doanh nghiệp nào xây được một “cơ chế sáng tạo bền vững” sẽ không chỉ trụ vững, mà còn dẫn dắt thị trường bằng chính khả năng thích nghi và tiến hóa của mình.
ThS Trần Gia Thông