Quảng Ninh tập trung cho mục tiêu tăng trưởng trên 14%

Quảng Ninh tập trung cho mục tiêu tăng trưởng trên 14%
10 giờ trướcBài gốc
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp bước đầu phát huy hiệu quả
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng ghi nhận những thành công bước đầu của việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Sau hai tuần đi vào hoạt động, mô hình mới đã cho thấy những hiệu quả tích cực, nổi bật là việc giảm đáng kể các đầu mối trung gian, giúp bộ máy hành chính trở nên tinh gọn và vận hành thông suốt. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả phục vụ người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Q.M.G
Bên cạnh những kết quả khả quan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết. Một số địa phương và đơn vị sau sắp xếp vẫn chưa thực sự vận hành một cách nhịp nhàng. Công tác tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức sau quá trình này đòi hỏi sự rà soát và đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa. Năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn những hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có các chương trình bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Quảng Ninh. Đây là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh ý thức sâu sắc về việc cần phải hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 14%, thể hiện khát vọng "vươn mình" của tỉnh trong kỷ nguyên phát triển mới.
Để đạt được mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 1286-KL/TU, tập trung đánh giá tình hình và kết quả công tác 6 tháng đầu năm; đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025. “Kỳ họp HĐND tỉnh lần này không chỉ là dịp để rà soát lại những gì đã đạt được và đề ra phương hướng cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là cơ hội quan trọng để cụ thể hóa và triển khai một cách đồng bộ các nghị quyết, luật của Quốc hội vào thực tiễn địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.
Tập trung các giải pháp để kinh tế bứt phá
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm tạo ra sự "bứt phá" trong phát triển kinh tế địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, ưu tiên hàng đầu là việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Một trong những yếu tố then chốt là phát triển tối đa lĩnh vực xây dựng công nghiệp và dân dụng, đồng thời đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công. Việc rà soát và tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vốn ngoài ngân sách và đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng và công trình trọng điểm phải được đặt lên hàng đầu, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: M.Tuân
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Quảng Ninh đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới, có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập và đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để tạo ra "quỹ đất sạch" thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cam kết tích cực hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đã được cấp phép, giúp các dự án này nhanh chóng đi vào hoạt động, bổ sung năng lực và tăng cường năng suất, sản lượng.
Quảng Ninh cũng xác định rõ việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than và điện phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các thủ tục gia hạn cấp phép, nâng cao công suất khai thác mỏ và triển khai các dự án nhà ở cho công nhân. Một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thành và bàn giao quỹ đất cho chủ đầu tư để thực hiện Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Đối với ngành du lịch, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sân golf theo quy hoạch. Tỉnh chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch, dịch vụ, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường. Công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, đặc biệt là các tour, tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long, sẽ được tăng cường. Quảng Ninh cũng tập trung vào phát triển kinh tế số, hoàn thành Đề án thí điểm cửa khẩu thông minh tại Móng Cái - Đông Hưng và thí điểm Khu hợp tác ngành nghề qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng. Tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cảng biển và hoàn thiện các thủ tục thu hút đầu tư vào cảng Con Ong - Hòn Nét.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Ninh chủ trương cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của các cơ quan đảng và nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế và logistics. Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực kinh tế tư nhân. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030
Bên cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược đã được xác định. Đó là việc huy động mọi nguồn lực để phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, y tế, giáo dục và văn hóa.
Hai là tạo chuyển biến mới trong phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng. Trong đó, đổi mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Quang cảnh kỳ họp. ẢNh: M.Tuân
Thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính thực chất và hiệu quả, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương. Quảng Ninh cũng sẽ xây dựng đề án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân và phấn đấu thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp trong năm 2025.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của người dân. Tỉnh sẽ thực hiện rà soát và xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh, phấn đấu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh và quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động trong ngành than và các khu công nghiệp.
Với tầm nhìn dài hạn, Quảng Ninh đã bắt đầu chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026-2030, gắn liền với quy hoạch tỉnh thời kỳ mới, định hướng xây dựng và phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Mạnh Tuân
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/quang-ninh-tap-trung-cho-muc-tieu-tang-truong-tren-14-10379840.html