Quốc hội chủ trương đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Quốc hội chủ trương đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
4 giờ trướcBài gốc
Mục tiêu của Quốc hội là xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung bộ, kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn; kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Sơ bộ phạm vi, quy mô và hình thức đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới, chiều dài khoảng 125 km, quy mô 04 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, chia thành 02 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ đi song song với QL19 kết nối Gia Lai và Bình Định
Khi triển khai dự án, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92; đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 43.734 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tiến độ thực hiện từ năm 2025, hoàn thành Dự án năm 2029.
Theo dự thảo Nghị quyết, Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc Dự án; không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công…
Dự thảo Nghị quyết cũng giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư Dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trên cơ sở vốn góp đầu tư Dự án.
Tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các tiểu dự án được giao tổ chức thực hiện.
Thanh Hòa
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/giao-thong-24h/quoc-hoi-chu-truong-dau-tu-hon-43700-ty-dong-xay-dung-cao-toc-quy-nhon-pleiku_178157.html