Sáng 13/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phân cấp phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương
Phát biểu về Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) thống nhất cần ban hành Nghị quyết này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để toàn hệ thống các cơ quan nhà nước có thể tiếp tục hoạt động một cách liên tục, bình thường trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ngay cả khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần khẩn trương triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại phiên họp.
Về một số góp ý cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, theo Kết luận số 121-KL/TW, Ban Chấp hành trung ương đã đồng ý với chủ trương sắp xếp theo hướng không tổ chức Công an cấp huyện. Trên thực tế lực lượng Công an đã triển khai thực hiện. “Do đó, đề nghị bổ sung tại Điều 6 để xác định việc thực hiện tố tụng hình sự, thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện” – đại biểu nêu.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này phân cấp mạnh cho địa phương. Từ thực tiễn là thước đo để giải quyết điểm nghẽn, từ các rào cản ta khơi thông nguồn lực phát triển của đất nước. Những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì phải giải quyết ngay không để những quy định cứng nhắc trở làm rào cản.
“Đây là quan điểm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc. Tôi đề nghị phải tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành và các luật trình Quốc hội xem xét sửa đổi lần này, sao cho đồng bộ, trùng khớp với nhau” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
“Vừa qua thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội cho thí điểm ở Hải Phòng. Những nơi đang thực hiện thí điểm thì vẫn tiếp tục làm sau đó tổng kết, xem nhân rộng ra được hay không” – Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng, không bỏ HĐND cấp xã vì ở địa phương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương là HĐND nếu bỏ HĐND thì ngoài MTTQ và các đoàn thể thì nhân dân phát huy quyền làm chủ ở đâu? Nhân dân là sức mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ở địa phương. HĐND là để dân thực hiện quyền dân chủ, giám sát hoạt động của UBND.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này sửa luật Tổ chức Chính phủ nên phân cấp phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm địa phương quyết, làm, chịu trách nhiệm, Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo điều hành.
“Như các đồng chí biết, để cho công việc nhanh, Quốc hội đổi mới tư duy làm việc, giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ. Như tại Kỳ họp thứ 8, chúng ta đã thực hiện 1 luật nhiều luật. Thời gian tới, Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư, hạn chế tối đa xin – cho tránh các vụ việc tiêu cực. Phân quyền cho bộ, ngành, địa phương để chủ động, quyết, thực hiện, để địa phương mạnh mẽ hơn” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bộ Công an triển khai khẩn trương nhanh gọn, tất cả hướng về cơ sở
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đề nghị Chánh án TAND, VKSND… ban hành văn bản khi sắp xếp bộ máy.
“Cuộc cách mạng tinh giảm bộ máy tạo hiệu ứng rất tốt trong nhân dân, cán bộ đồng tình, phải làm thế nào phải mạnh, chọn người tài, có đủ điều kiện để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, Chính phủ đã có Nghị định 177, Nghị định 178 để giải quyết chính sách, Nghị định 179 để thu hút người tài” – Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng, sắp xếp tổ chức là cuộc cách mạng, đòi hỏi chúng ta làm sớm, làm nhanh để có bộ máy mới, cơ cấu nhân sự ở các cấp ủy, cơ cấu HĐND các cấp.
“Lực lượng Công an đã triển khai, dự kiến từ 1/3 sẽ không còn Công an cấp huyện. Bộ Công an làm rất khẩn trương nhanh gọn, tất cả hướng về cơ sở” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, cần khuyến khích cán bộ Trung ương về địa phương, về các xã miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo… Các cán bộ khi qua thực tiễn sẽ trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một số đại biểu tại tổ 13.
Nhấn mạnh việc sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước".
Liên quan đến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đánh giá, dự thảo Luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, thẩm quyền của Chính phủ và 8 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể bảo đảm Chính phủ thực hiện chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Đại biểu cũng đánh giá cao việc quy định rõ về phân cấp, ủy quyền, làm rõ chủ thể, cơ chế chịu trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương.
“Quy định như tại Điều 8 dự thảo Luật sẽ làm rõ được chủ thể phân cấp, ủy quyền, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, ủy quyền. Đồng thời quy định rõ việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp ủy quyền không được phân cấp ủy quyền tiếp nhiệm vụ và quyền hạn mà mình đã được phân cấp, ủy quyền”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản thay mặt Chính phủ; quy định rõ hơn về quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đặc biệt là trong việc ban hành chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực; bổ sung quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan…
Phương Thủy