Tổ đại biểu số 12 (gồm đại biểu Quốc hội thuộc các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Hải Dương) do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành phiên thảo luận.
Trong phiên họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận góp ý các dự thảo luật, nghị quyết.
Về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình với quan điểm quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ và do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định, trừ trường hợp do yêu cầu điều động, sắp xếp cán bộ của cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính linh hoạt.
Bổ sung quy định Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh được mời tham dự phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh
Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại khoản 3 Điều 11 về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trong dự thảo Luật có quy định: “Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến Nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính…”. Tuy nhiên, từ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai ở địa phương, đại biểu đề nghị quy định phân cấp rõ hơn trách nhiệm và những nội dung cụ thể trong Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần lấy ý kiến Nhân dân (như chủ trương), còn một số nội dung cụ thể (như tên gọi đơn vị hành chính) cần phân cấp giao cho UBND cấp huyện lấy ý kiến để đảm bảo tính khả thi và tăng tính chủ động.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 32 quy định “Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” như Luật hiện hành, vì thời gian qua, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ (giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…) rất hiệu quả, hạn chế được những chồng chéo trong quá trình thực hiện tại địa phương. Việc tham dự phiên họp của Thường trực HĐND sẽ giúp Đoàn ĐBQH nắm được những vấn đề thực tiễn của địa phương, góp phần hạn chế những chồng chéo nhất định trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, tạo điều kiện cho Đoàn ĐBQH tỉnh kịp thời nắm bắt tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.
Đánh giá cao dự thảo Luật trình tại kỳ họp sau khi được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, phản ánh đúng bản chất của chế độ Nhà nước ta, trong đó đã giữ lại các quy định về cấp chính quyền địa phương, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Hoàng Duy Chinh đề nghị quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành ngay sau khi được ban hành (từ ngày 01/3/2025) để xử lý các vướng mắc khó khăn cho chính quyền địa phương khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận.
Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh các nội dung còn bất cập đã được chỉ ra. Trong đó, đại biểu tán thành với phương án của Chính phủ trình về việc giao UBTVQH quy định số lượng thành viên của Hội đồng Nhân dân và các Ban của Hội đồng Nhân dân để đảm bảo linh hoạt và phù hợp với việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia thảo luận Tổ.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị tại Điều 14 dự thảo Luật cần quy định rõ hơn yêu cầu về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc phân cấp, ủy quyền ở cả 2 phía (thực hiện phân cấp và được phân cấp).
Phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Hoàng Duy Chinh đề nghị điều chỉnh tên Điều 13 (Giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy) cho phù hợp với tên của Nghị quyết, trong đó đối với những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội liên quan về tổ chức bộ máy nên giao cho UBTVQH thực hiện và có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để đảm bảo chặt chẽ, đúng thẩm quyền.
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ khi trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tại Kỳ họp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị: Đối với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền cần quy định khái quát hơn để bao quát đầy đủ các cơ quan tư pháp vì việc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay có cả các cơ quan tư pháp (như cơ quan kiểm sát, thanh tra, Công an cấp huyện) thay vì chỉ quy định đối với các cơ quan thuộc Chính phủ như trong dự thảo Nghị quyết; về hoạt động tố tụng và thi hành án, đề nghị bỏ quy định “Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đã thực hiện một hoặc một số nội dung của các hoạt động này trong các vụ án, vụ việc cụ thể theo quy định pháp luật trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không thực hiện lại các nội dung này sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước” để đảm bảo quy định về quyền hạn và trình tự thủ tục tố tụng. Đồng thời, đề nghị dự thảo Nghị quyết quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan, người có thẩm quyền phải hoàn thành việc rà soát, xác định phương án xử lý các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước./.
Ái Vân