Cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi
Các ĐBQH tại Tổ 13 đều bày tỏ hoàn toàn đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tổ về phát triển kinh tế tư nhân, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hóa nhiều chủ trương lớn, quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặc biệt là quan điểm xác lập khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo cho thấy tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, với cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, thuế, tín dụng, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
"Đây là bước đi rất đáng ghi nhận, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một văn kiện có tính lịch sử thể hiện quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nhấn mạnh, người dân, đặc biệt là khối các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội lần này. Ảnh: Lâm Hiển
Nghị quyết này đánh dấu bước ngoặt về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, phát triển về kinh tế, xã hội, tạo sức bật về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội...
"Nghị quyết 68 đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính chất đột phá, chưa có tiền lệ. Người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, mong đợi các chính sách này sớm được cụ thể hóa. Vì vậy người dân, đặc biệt là khối các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội lần này", đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Đánh giá chung về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, đã bảo đảm được nguyên tắc bao trùm về các nội dung cốt lõi như: cải thiện môi trường kinh doanh; nguyên tắc xử lý sai phạm và giải quyết các vụ việc cũng như là một số cơ chế, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ...
Mặt khác, dự thảo Nghị quyết cũng đã có những nội dung rất cụ thể, hướng tới những chính sách rất cụ thể, đặc thù để tạo động lực và hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các quy định tại các luật, bộ luật hoặc văn bản hướng dẫn.
Hoàn toàn nhất trí việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cũng lưu ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín (như dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... ) cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị để thể chế hóa ngay hoặc chỉnh sửa, hoàn thiện tại các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết và sớm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời xem xét, bổ sung, hoàn thiện sớm trình Quốc hội thông qua luôn tại Kỳ họp này.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Lê Minh Nam cũng cho biết, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 68 liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội rất nhiều, cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Do vậy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để kịp thời bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ Mười cũng như định hướng lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XVI để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, toàn diện hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo
Góp ý cụ thể về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị bổ sung một số điều khoản về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực.
Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13 về phát triển kinh tế tư nhân, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình dựa trên tri thức, theo đại biểu, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ, ngày càng đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phân tích kỹ hơn với các startup, đại biểu Nguyễn Như So chỉ rõ, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền. "Nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng".
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Lâm Hiển
Tại Việt Nam, phần lớn startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đúng chuẩn và đúng thời điểm. Nhiều trường hợp đã mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và năng lực phát triển ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ cụ thể. Singapore hỗ trợ tới 70% chi phí đăng ký quyền SHTT quốc tế, tối đa 20.000 SGD/doanh nghiệp/thị trường.
Hàn Quốc thông qua hệ thống trung tâm IP đã hỗ trợ hơn 11.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2009 trong việc đăng ký, bảo vệ và xử lý tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
"Vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ là một hành vi phòng ngừa rủi ro pháp lý, mà là chiến lược phát triển năng lực lõi của doanh nghiệp. Do đó, việc bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính và đơn giản hóa thủ tục đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào Nghị quyết là không chỉ cần thiết, mà là cấp thiết", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Liên quan đến Khoản 2 Điều 12 về “Cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn, đào tạo… cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”, theo đại biểu, đây là một chủ trương tích cực, nhưng quy định hiện tại còn quá chung chung, thiếu tính khả thi.
Cụ thể, nội dung “một số dịch vụ” chưa rõ ràng về phạm vi, tiêu chí ưu tiên hay mức độ hỗ trợ, dễ dẫn đến tình trạng dàn trải, khó quản lý và kém hiệu quả trong triển khai, nhất là khi nguồn lực ngân sách còn hạn chế.
Ngoài ra, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, phương thức cung cấp dịch vụ (trực tuyến, trực tiếp hay thông qua tổ chức trung gian), cũng như cơ chế phối hợp giữa trung ương - địa phương - đơn vị triển khai.
Do đó, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần làm rõ phạm vi hỗ trợ, xác định đối tượng ưu tiên, thiết kế chương trình mẫu có tính thực tiễn cao và quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các cấp và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi thực hiện.
Các ĐBQH tại Tổ 13 cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần đặc biệt lưu ý vấn đề tiếp cận chính sách, điều kiện hưởng chính sách để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển
Các ý kiến cũng đề nghị cần thiết lập cơ chế đại diện và tham vấn chính sách có hiệu lực, hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, để đảm bảo sự tham gia thực chất của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách liên quan.
Phạm Thúy