Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) theo Nghị quyết 98. Thường trực UBND TP, Ban cán sự Đảng cũng đã thống nhất trình HĐND TP 4 dự án BOT này tại kỳ họp tháng 2 này.
Theo Sở GTVT, để tạo động lực phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc tiếp tục và đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Từ đó, tăng cường kết nối vùng, tạo thông suốt giao thông giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa với các sân bay, bến cảng quốc tế.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13, dài 6,3km, có điểm đầu tại cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức) đến cầu Vĩnh Bình (tỉnh Bình Dương).
Hiện trạng Quốc lộ 13 chỉ rộng từ 4-6 làn xe nên dù cao điểm hay thấp điểm cũng thường xuyên ùn ứ.
Quốc lộ 13 được người dân TP.HCM mong ngóng sớm mở rộng, đồng bộ với Quốc lộ 13 (Bình Dương). Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ là tuyến cửa ngõ tạo động Iực phát triển kinh tế, tăng cường kết nối vùng, tạo sự thông suốt giao thông giữa các trung tâm kinh tế, sân bay, bến cảng...
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 có tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỉ đồng, mở rộng lên 10 làn đường, rộng 60m (với vận tốc 80km/h tuyến chính).
Dự án sẽ có khoảng 2,3 km đường trên cao (cầu cạn) với quy mô 4 làn xe và đường song hành hai bên (60km/h) giúp tách biệt dòng xe, hạn chế xung đột với các đường băng ngang. Diện tích đất phục vụ dự án khoảng 41,18 ha, sẽ thu hồi một lần theo quy mô mặt cắt ngang.
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2024-2028, theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Thời gian khai thác (thu phí) khoảng 23 năm 10 tháng.
Tuy nhiên, TP chỉ thu phí đối với phần đường chính, người dân có thể lựa chọn đi miễn phí trên đường song hành hoặc trả phí khi đi đường trên cao. Lúc này, giúp tạo thêm sự lựa chọn để có lộ trình phù hợp.
Dự kiến trong quý I-2025 sẽ trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án được khởi công xây dựng từ quý III-2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Tất cả các vị trí giao cắt với đường ngang đều làm nút giao khác mức, đồng thời đảm bảo nguyên tắc kế thừa trong xây dựng ở những giai đoạn sau, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư mà vẫn đảm bảo việc thực hiện xây dựng nút hoàn chỉnh theo quy hoạch. Tổng số nút giao là 10 vị trí giao cắt, trong đó: 2 nút giao khác mức liên thông (nút Bình Lợi và nút Bình Triệu); 8 vị trí giao bằng (Ngã ba Quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân; Ngã tư Quốc lộ 13 - đường sắt hiện hữu; Ngã ba Quốc lộ 13 - đường số 5; Ngã ba Quốc lộ 13 - đường số 3; Ngã tư Quốc lộ 13 - đường vào KDC Vạn Phúc Ngã ba Quốc lộ 13 - đường số 4; Ngã ba Quốc lộ 13 - Đinh Thị Thi; Ngã ba Quốc lộ 13 - Quốc lộ 13 cũ).
Đặc biệt, Sở GTVT TP.HCM cũng đánh giá: thực tiễn triển khai các dự án thành phần Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng như cát, đá... Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai đồng loạt nhiều dự án trong cùng khu vực, nhu cầu vật liệu tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Vì vậy, rút kinh nghiệm quá trình triển khai các dự án giai đoạn vừa qua, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá nhu cầu vật liệu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cung cấp cho dự án.
Trong bước nghiên cứu khả thi, tư vấn lập dự án sẽ phối hợp với các đơn vị sở ngành liên quan của TP.HCM khảo sát, tính toán xác định cụ thể, đánh giá kỹ tình trạng các mỏ vật liệu. Đồng thời có các đề xuất với UBND TP để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, cơ chế phát sinh (nếu có) để đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu cung cấp cho dự án. Với sự chuẩn bị trên, TP.HCM đã sẵn sàng để thực hiện khởi công mở rộng Quốc lộ 13 vào năm 2026.
ĐÀO TRANG