Quý 1 khởi sắc với dệt may Việt trước thời điểm Mỹ siết thuế

Quý 1 khởi sắc với dệt may Việt trước thời điểm Mỹ siết thuế
14 giờ trướcBài gốc
Các doanh nghiệp lớn như Vinatex và May Sông Hồng báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý 1/2025. Ảnh: Vinatex
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng trưởng mạnh 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,8 tỷ USD. Những tín hiệu tích cực này phần nào phản ánh qua kết quả kinh doanh khả quan của loạt doanh nghiệp lớn như Vinatex (VGT), May Sông Hồng (MSH), Dệt may Thành Công (TCM) hay Đầu tư và Thương mại TNG.
Trong đó, "đầu tàu" Vinatex gây ấn tượng với lợi nhuận ròng quý 1/2025 đạt 172 tỷ đồng - tăng vọt 372% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng nhẹ 8% lên gần 4.300 tỷ đồng, nhưng biên lãi gộp cải thiện đáng kể, từ 8,7% lên 12,1%. Khối ngành sợi từng lỗ trong năm ngoái nay đã chuyển sang có lãi nhờ tối ưu vận hành và tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, Vinatex cho biết, hiện không ít khách hàng Mỹ hiện vẫn đang do dự trong việc đặt hàng quý 3 và chờ diễn biến tiếp theo từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ngành may của Vinatex hiện đã kín đơn đến hết quý 2/2025 nhưng triển vọng các quý sau vẫn chưa rõ ràng.
Chia sẻ tại "Hội nghị sơ kết hoạt động SXKD quý 1/2025" vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam - ngành công nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới.
Điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, gắn bó, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất. "Biến động là điều không mới. Quan trọng là tận dụng được khoảng lặng 90 ngày này để chủ động chuyển mình," ông Trường nhấn mạnh.
Dệt may TCM báo lãi ròng quý 1/2025 đạt 78 tỷ đồng, tăng 26%, doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Dù biên lãi gộp có giảm nhẹ xuống còn 16,2%, công ty đã chốt được khoảng 85% kế hoạch doanh thu quý 2 và đang tích cực nhận đơn quý 3.
Tại ĐHĐCĐ 2025 tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Song Jae Ho - Tổng giám đốc TCM cho biết thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu xuất khẩu, thấp hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Nhờ vậy, TCM có biên độ linh hoạt hơn và đang tích cực khai thác các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, và châu Âu để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Trong khi đó, May Sông Hồng - doanh nghiệp có tới 80% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận doanh thu quý 1/2025 vượt 1.000 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận ròng đạt 86 tỷ đồng, tăng 50%. Biên lãi gộp của MSH cũng tăng mạnh lên 16,4%. Đặc biệt, công ty cho biết đã có đơn hàng đến hết năm và kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc.
Ngược lại, Dệt may TNG lại có kết quả kinh doanh quý 1/2025 thận trọng hơn các doanh nghiệp còn lại. Lợi nhuận tại công ty này chỉ tăng nhẹ 1% lên 43,3 tỷ đồng dù doanh thu nhảy vọt 31%, đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm khoảng 26%.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, đại diện TNG cho biết đơn hàng từ Mỹ tuy phục hồi nhưng tỷ trọng còn thấp (khoảng 26%). Công ty đang đánh giá lại mức thuế Mỹ có thể áp và thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất từng trải qua.
Về quy mô sản xuất, tính đến hết quý 1/2025, TNG hiện vận hành 336 dây chuyền may, 126 dây chuyền in và một dây chuyền bông. Tổng số lao động bình quân lên tới 19.052 người, tăng 4,83% so với năm trước.
Thu Trang
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/quy-1-khoi-sac-voi-det-may-viet-truoc-thoi-diem-my-siet-thue-41082.html