Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc lớn nhất của ngành giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong nửa đầu năm 2025, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 9.
Xác định đây là việc lớn nên Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung cao cho việc hoàn thiện dự thảo sau lần đầu lấy ý kiến Quốc hội.
"Chúng tôi mong rằng, những tâm huyết, ấp ủ về một dự thảo luật sẽ phát triển được lực lượng nhà giáo, gỡ vướng hàng loạt các vấn đề về quản lí nhà giáo trong suốt thời gian qua… sẽ thuyết phục được đại biểu Quốc hội, thuyết phục được xã hội. Không chỉ chúng tôi mà hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước đang ngóng chờ thời điểm Luật Nhà giáo chính thức được thông qua và đi vào cuộc sống. Chúng tôi sẽ rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp để xem xét sửa đổi, bổ sung", Bộ trưởng nói. (xem chi tiết)
Quy định mới nhất về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ tháng 2/2025
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Một trong những điểm mới là quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp; giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường. (xem chi tiết)
Những trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT 2025
Điều 40, Quy chế thi Tốt nghiệp THPT 2025 quy định, trường hợp thứ nhất được xét đặc cách tốt nghiệp là thí sinh thuộc đối tượng đã hoàn thành chương trình Giáo dục phổ thông – Giáo dục thường xuyên trong năm tổ chức kỳ thi; thí sinh đã hoàn thành chương trình Giáo dục phổ thông – Giáo dục thường xuyên nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp trong trường hợp bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi.
Điều kiện để được đặc cách đó là, thí sinh đủ điều kiện dự thi, có kết quả rèn luyện và học tập cả năm ở lớp 12 đều được đánh giá từ mức khá trở lên. (xem chi tiết)
Sở Giáo dục TPHCM nói về việc phân tuyến khiến học sinh phải học xa nhà
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau thẩm tra của HĐND TPHCM. Trong đó, có ý kiến liên quan đến việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp.
Cử tri cho rằng việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp trực tuyến được đảm bảo phân bổ gần nhà nhưng kết quả phân về địa phương khác hoặc trường khác xa nhà gây bức xúc cho người dân. (xem chi tiết)
Đề nghị thí điểm tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính phủ thống nhất thông qua nội dung đề nghị tại Tờ trình số 1144 của Bộ GD&ĐT ngày 28/8/2024.
Theo đó, các địa phương thiếu giáo viên giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS, được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này. (xem chi tiết)
Đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Giám đốc Đại học Huế
Theo nguồn thông tin của phóng viên, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Thành ủy Huế, đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Lê Anh Phương - Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Giám đốc ĐH Huế.
Căn cứ Điều lệ Đảng, quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra và đề nghị của Đảng ủy ĐH Huế, Ban Thường vụ Thành ủy Huế đã quyết định đình chỉ sinh hoạt trong 90 ngày làm việc đối với ông Lê Anh Phương. (xem chi tiết)
Ngành giáo dục sắp xếp, tinh gọn như thế nào trong năm 2025?
Trong năm 2025, ngành GD-ĐT đã, đang và sẽ triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Bộ GD-ĐT đến các nhà trường.
Ở cấp quản lý cao nhất, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2025, Bộ triển khai nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đồng thời bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; chủ động các phương án tiếp nhận nhân sự, các đơn vị về Bộ quản lý.
Theo dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT, dự kiến cơ cấu tổ chức của Bộ là 19 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với hiện nay. 5 vụ không còn gồm: Vụ Giáo dục thể chất, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.
Đỗ Hợp