Hàng loạt vấn đề hạn chế được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chỉ ra, trong đó nhấn mạnh đến việc vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa phù hợp, thông qua công tác tự kiểm tra, rà soát, nhưng chậm xử lý theo quy định; chất lượng tham mưu VBQPPL của một số cơ quan, đơn vị chưa đạt, dẫn đến tiến độ ban hành VBQPPL còn chậm.
Vẫn còn trường hợp giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức bị trễ hạn; người dân phải đi lại nhiều lần. Việc người dân tự thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến còn hạn chế, đa số phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn của công chức, viên chức (nhiều trường hợp công chức, viên chức phải làm thay).
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, chỉ rõ, hiện tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh, cấp huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Việc tuyên truyền công tác CCHC trên trang thông tin điện tử của một số đơn vị chưa thực sự đạt hiệu quả, hình thức tuyên truyền chưa cuốn hút, hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế, nhất là đối với cấp xã.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC có lúc chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; chưa mạnh dạn đề xuất sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong công tác CCHC, nhằm tạo bước đột phá trên địa bàn tỉnh.
Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa cao; chưa chủ động, sáng tạo trong công việc; nhiều trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao... nên chất lượng và tiến độ xử lý công việc còn hạn chế. Một số trường hợp quy định pháp luật phức tạp, chưa rõ ràng, dẫn đến cán bộ, công chức trong thực thi công vụ sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cải cách thể chế đi đôi với nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức cho cán bộ, nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa huyện U Minh).
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: "Thực hiện CCHC trên lĩnh vực hộ tịch tại địa phương vẫn còn tình trạng quá hạn. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Hộ tịch còn hạn chế, chỉ đến khi sinh con, “sẵn tiện” làm giấy khai sinh mới làm giấy đăng ký kết hôn. Nguyên nhân chủ quan một phần cũng do công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật hộ tịch chưa được thường xuyên".
Ðối với huyện Thới Bình, ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Hiện nay, công chức làm công tác hộ tịch vừa phải ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng phần mềm Hộ tịch, phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh, Dịch vụ công Quốc gia...) trong giải quyết các sự kiện hộ tịch và vừa phải ghi các sự kiện hộ tịch này vào sổ bộ giấy, đã tạo nên rất nhiều áp lực cho công chức, dẫn đến việc phục vụ Nhân dân có lúc chưa đáp ứng.
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, sáng tạo, sáng kiến trong CCHC, năm 2025, Cà Mau đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đối với các TTHC có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những TTHC rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2015/NÐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, bảo đảm khi tiếp nhận hồ sơ TTHC, tổ chức, cá nhân được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ, tài liệu và xuất trình bản chính để đối chiếu (khi nộp hoặc nhận kết quả giải quyết TTHC). Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản chụp giấy tờ, tài liệu so với bản chính, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực; kiểm tra việc thực hiện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp giấy tờ, tài liệu.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tạo chuyển biến về tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Ảnh chụp tại Bộ phận Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NÐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tăng cường việc tiếp nhận, sử dụng bản sao điện tử trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; trả kết quả giải quyết TTHC bản điện tử. Tăng cường tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết, yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NÐ-CP.
Ông Lâm Văn Bi thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ chuyển đổi số, phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư trang thiết bị làm việc tại bộ phận một cửa các cấp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thời gian tới; nâng cấp ứng dụng CaMau-G nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong quá trình sử dụng. Ðây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh quyết tâm tập trung thực hiện, làm chuyển biến tốt hơn công tác CCHC, tạo đồng thuận mang tính toàn diện, để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng thuận lợi, phát triển trên mọi lĩnh vực./.
Trần Nguyên