Rau quê

Rau quê
5 giờ trướcBài gốc
Người an cư nơi làng mạc, nhất là ở vùng trung du, hẳn sẽ thân thuộc với những chùm rau má dáng lá trông giống chiếc ô nhỏ xinh, thân rễ dài khòng, có mùi vị thơm ngon thật lạ. Rau má sinh trưởng quanh năm, mùa hè thì thân và rễ trông sẽ cằn cỗi, cứng cỏi hơn, màu lá cũng ngả vàng như ăn nắng. Nhưng chỉ cần có mưa xuống thì rau lại rẽ đất mà xanh. Hồi bé, chị em tôi thường theo chân bà đi “đào” rau má về phơi khô, để dành đun nước uống giải nhiệt. Phải gỡ thật khéo để không làm đứt gãy những cọng dài và lấy được cả bộ rễ lan sâu dưới đất. Phút giây “nghe” mùi thơm thảo ngọt tỏa ra lẫn trong mùi đất bụi khô, thấy bàn tay như cũng được ướp thơm tươi mát.
Có lẽ, chỉ ở quê, là người quê mới biết uống nước rau má để hạ sốt, hay trị rôm sảy, mẩn ngứa. Cha mẹ chẳng nghĩ, cũng chẳng cần định lượng, cứ thấy người con nóng rẫy thì sẽ đạp xe ra đồng tìm rau má. Nắm rau trong tay cha khi thả ra được cả rổ đầy. Rửa thật sạch, vẩy cho ráo rồi đem giã nhuyễn, lọc lấy nước và pha vào thìa đường cho con uống. Thứ thuốc hạ sốt tự nhiên ấy đã giúp đám trẻ chúng tôi đi qua bao lần ho cảm bốn mùa nhẹ nhàng, nhanh chóng. Cốc nước rau má thơm mùi thảo mộc thanh mát, vị nhân nhẩn đắng nơi đầu lưỡi rồi ngọt đằm ở cổ họng, được uống một lần là nhớ mãi không thôi.
Tôi khoái nhìn cha ghém rau má cùng vài lá diếp cá chấm vào chén mắm mặn, nghe tiếng nhai giòn rạo thật vui tai. Cha bảo thích cái vị đắng nhẹ ban đầu rồi bùi, thơm, ngọt về sau. Mẹ với chị em tôi thì lại thích rau má luộc chấm mẻ. Bát nước chấm đơn giản chỉ là phi thơm tỏi với mỡ lợn, thêm mẻ chua, nước sôi và nêm nếm mắm muối cho vừa ăn. Từng gắp rau má được nhúng ngập vào bát nước mẻ chua thơm lừng đậm vị, ăn đến khi nồi cơm trơ đáy mà vẫn chẳng thấy no.
Sau vụ mùa tháng mười là mưa bão liên miên, khi gió heo may tràn khắp cánh đồng cũng là lúc rau bợ vào mùa xanh non mát mắt. Là loài thực vật bán thủy sinh, được gọi là cỏ dại mọc hoang ở các bờ đất ẩm, ruộng nước, nhưng từ xưa người quê đã coi nó là một loại rau ngang hàng với rau vườn trồng. Thân cỏ bợ mềm và mảnh, những chiếc lá mỏng nhỏ nhắn có bốn phiến lá chét hình tam giác xếp giống chữ thập. Rau bợ chỉ ăn phần lá, khi thu hái phải một tay nhúm chụm đầu lá, tay kia dùng liềm mà cắt thì mới đúng bài. Trước khi nấu phải ngâm trong nước muối loãng cho rau rã mùi tanh bùn đất. Nấu canh suông cũng đủ thơm ngon, lên đời hơn thì thêm chút moi khô là ngọt ngây phưng phức. Với tôi, canh rau bợ ngon nhất là khi nấu chung với cua đồng. Hai thứ ấy khi kết hợp sẽ sực nức mùi hương dân dã, thanh mát, vị ngọt như được nhân lên gấp bội. Cơm chan canh cua rau bợ ăn kèm cà pháo muối chua, đó thực là một loại mỹ vị đồng quê đáng nhớ.
Mấy mươi năm xa quê, xa mảnh vườn rộng thoải của ngoại, tôi vẫn nhớ rất rõ những lần la cà tìm hái rau sam ở đó. Tôi đã sống trong những năm tháng nguồn lương thực còn thiếu, và người dân quê dùng rau sam làm thức ăn. Loài rau có vị chua, tính mát, chế biến đơn giản nhất là đem luộc chấm nước mắm. Nhưng món mà cả nhà tôi ai cũng mê là rau sam nộm. Chỉ cần luộc rau vừa chín tới thì vớt ra, thêm vào gia vị muối, bột ngọt, vài nhánh tỏi băm nhỏ, đậu phộng đã rang thơm giã nát và trộn đều lên. Chỉ thế thôi mà món rau trở nên hấp dẫn gấp nhiều lần. Rau sam xào tỏi cũng ngon miệng không kém, chỉ trụng rau chín sơ rồi xào nhanh với nhiều tỏi đập giập. Mùi thơm, vị đậm đà át đi vị chua, ngon chẳng khác gì rau muống xào tỏi vậy.
Bất chợt nghĩ về những loài rau quê gắn với người quê lúc chiếc bụng đói meo, tâm trí tôi lại thong dong ngược về miền xa vắng trong vời vợi nhớ mong…
Mai Đình
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/doi-song/rau-que-148212.html