Các đoàn nghệ nhân diễu hành trước tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. PLeiku. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đây là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ IV-năm 2025, do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai-khẳng định: “Ngày hội là dịp để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và tôn vinh những sắc màu văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em.
Tuy thời gian tổ chức không dài, nhưng chúng ta hãy cùng nhau làm cho kho báu di sản ấy thêm lấp lánh-để không chỉ nghệ nhân, người làm công tác văn hóa mà cả cộng đồng xã hội thêm hiểu, thêm yêu và cùng nhau gìn giữ, phát huy vốn văn hóa cha ông để lại”.
Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang. Ảnh: Hoàng Ngọc
Mở đầu đêm hội là màn diễu hành của 17 đoàn với gần 800 nghệ nhân dưới chân tượng đài Bác Hồ trên tinh thần tôn vinh di sản và chủ nhân của các nền văn hóa.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng với nhiều tiết mục đặc sắc, nhất là sự góp giọng của Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang-người con ưu tú của Tây Nguyên, qua hai ca khúc: Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi phổ thơ Kpă Y Lăng) và Bóng cây kơ nia (Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh).
Các đoàn nghệ nhân mang đến đêm hội những sắc màu riêng biệt của từng dân tộc như: màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc của đoàn nghệ nhân Jrai (TP. Pleiku), hát dân ca Bahnar (huyện Đak Pơ), hát then của người Tày (huyện Đức Cơ)…
Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao chứng nhận cho các đoàn tham gia Ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhiều ca khúc mới được giới thiệu lần đầu như: Ngày hội văn hóa Gia Lai, Gia Lai tôi yêu, Khúc hát cho nhau, Đêm vui chia tay-là những sáng tác phổ thơ của những người gắn bó lâu năm với ngành văn hóa tỉnh, góp thêm những sắc màu đương đại trong dòng chảy văn hóa truyền thống.
Đêm hội “Âm vang đại ngàn” không chỉ là bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật mà còn là lời ngợi ca di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.
HOÀNG NGỌC