Những vết thương nhức nhối chưa lành!
Đồng chí Trương Văn Bình, Phó giám đốc trung tâm bùi ngùi chia sẻ: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các thương, bệnh binh tại trung tâm đã nâng lên nhiều. Công tác chăm sóc, điều trị của cán bộ, nhân viên trung tâm cũng bớt khó khăn, vất vả hơn trước. Song, do đây là trung tâm điều trị cho các thương binh, bệnh binh nặng, tỷ lệ mất sức lao động hầu hết đều từ 81% trở lên, các bác phần nhiều bị thương ở cột sống nên nỗi đau đớn về thể xác vẫn rất lớn. Nhất là những dịp thời tiết thất thường, chuyển mùa, trước vài hôm, các cơn đau kéo về hành hạ liên hồi khiến những người dày dặn bản lĩnh cũng phải nhăn nhó. Nhìn các bác, lúc ấy, anh, chị em chúng tôi không cầm được nước mắt”.
Các bác thương, bệnh binh xúc động dự buổi tặng quà.
Ông Bình tiết lộ thêm, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (trực thuộc Cục Người có công, Bộ Nội vụ) là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị cho thương, bệnh binh nặng tập trung có số lượng đông nhất, với tỷ lệ thương tật nặng nhất. Sau hơn 60 năm xây dựng, phát triển, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước.
Đại diện ban Thanh niên Quân đội tặng quà trung tâm và các thương, bệnh binh đang điều trị tại đây.
Sau một thời gian an dưỡng, điều trị, nhiều thương, bệnh binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động, có nguyện vọng chuyển về an dưỡng tại gia đình. Các bác còn lại do vết thương quá nặng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn nên ở lại sinh sống, điều trị tại trung tâm.
Hiện nay, đơn vị đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 84 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ mất sức lao động từ 81% đến 100%), trong đó, có 50 bác bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Thanh niên Quân đội tặng quà, động viên thương binh nặng.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết, ở trung tâm, 90% các bác bị thương ở khu vực cột sống, gây liệt nửa người, phải di chuyển sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc; nhiều bác bị thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt… Do di chứng của vết thương cột sống dẫn đến nhiều bác nửa người phía dưới bị teo cơ, mất cảm giác, không tự chủ được sinh hoạt, phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên trung tâm. Do ảnh hưởng của thương tật, nhiều bác mắc thêm các chứng bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan B, C, viêm đường tiết niệu, loét lưng...
Có bác vẫn còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu, vì vậy mỗi khi trái nắng trở trời, thời tiết thay đổi, các vết thương cũ gây ra những cơn đau nhức nhối, tạo ra những cơn co giật, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ. Có bác vì vết thương nặng, vết loét to, sức lực yếu không thể xuống xe ra ngoài, phải nằm quanh năm suốt tháng trên giường và cần sự chăm sóc giúp đỡ 24/24 giờ trong ngày của người thân hoặc nhân viên…
Kiên cường bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ!
Sau những lời phát biểu ngắn gọn trong buổi tặng quà, tại hội trường trung tâm, nơi tập trung gần như đông đủ các bác thương binh, bệnh binh đang sinh sống, điều trị, Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban và Đại tá Nguyễn Văn Ninh, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội lại gần những chiếc xe lăn, xe lắc, đến vị trí ngồi của từng bác để thăm hỏi, trò chuyện, động viên, tặng các phần quà ý nghĩa. Dù vẫn bị những cơn đau do vết thương hành hạ, nhưng gặp cán bộ đại diện cho lớp tuổi trẻ Quân đội hôm nay, các bác thương, bệnh binh đều gắng chịu đau, nhiệt tình đáp chuyện, bày tỏ sự ghi nhận, trân trọng đặc biệt.
Bác Lê Đức Luân, Trưởng ban Hội đồng thương - bệnh binh, thay mặt cho các thương, bệnh binh, phát biểu bày tỏ sự trân trọng trước tình cảm tri ân của tuổi trẻ Quân đội.
Bác Trần Danh Phúc, 70 tuổi, thương binh hạng ¼, quê ở phường Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, gắn bó với trung tâm đã gần 50 năm, hiện đang sống cùng vợ, sau khi nhận quà của Ban Thanh niên Quân đội thì nắm chặt tay của Thượng tá Nguyễn Quang Huy để tâm sự: “Dịp này, chúng tôi được đón rất nhiều đoàn đến thăm, tặng quà. Nhưng, nhìn thấy đoàn của tuổi trẻ Quân đội, trong tôi lại trào dâng lên cảm xúc khó tả, vì khiến mình nhớ lại những tháng ngày thanh niên trai trẻ chiến đấu trên chiến trường với khí thế hừng hực, sục sôi. Đó là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời!”.
Đại diện cho các thương, bệnh binh sinh sống, điều trị tại trung tâm phát biểu tại buổi tặng quà, ngồi trên chiếc xe lăn, với ánh mắt cương nghị của người lính pháo cao xạ một thời, bác Lê Đức Luân, 72 tuổi, Trưởng ban Hội đồng thương - bệnh binh không giấu nổi sự xúc động: “Chúng tôi trân trọng cảm ơn tình cảm tri ân của thế hệ sau dành cho lớp người lính đi trước, không may bị thương, phải điều trị tại đây. Đáp lại sự quan tâm, tình cảm tri ân chân thành này, chúng tôi sẽ cố gắng điều trị, an dưỡng, vượt qua nỗi đau bệnh tật, thể xác, cố gắng sống lâu để được chứng kiến nhiều hơn nữa những thành tựu, sự phát triển của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Cán bộ Ban Thanh niên Quân đội thăm hỏi, tặng quà, động viên thương binh Phạm Xuân Vận tại phòng ở.
Sau những cái bắt tay thật chặt, những lời thăm hỏi, trao đổi ân tình tại hội trường, chúng tôi đến tận phòng của một số bác thương binh nặng, sức khỏe yếu, không thể di chuyển được để động viên, tặng quà. Khi đến căn phòng riêng của bác Phạm Xuân Vận, 78 tuổi, quê TP Hải Phòng, thương binh hạng 1/4, mất sức lao động 91%, đang nằm quay mặt vào trong, thấy đoàn, bác liền cố gồng người lên để quay lại, định ngồi dậy. Thấy vậy, Thượng tá Nguyễn Quang Huy và Đại tá Nguyễn Văn Ninh liền chạy lại gần, mời bác cứ nằm yên kẻo bị ảnh hưởng đến vết thương.
Do đau đớn, sức khỏe yếu, bác Vận gần như không nói được nhiều, chủ yếu thể hiện cảm xúc qua ánh mắt và cái nắm tay thật chặt. Bác Vũ Thị Hiền, 77 tuổi, người vợ đã gắn bó từ trẻ, hai vợ chồng cùng đi bộ đội bùi ngùi kể: “Ông ấy bị thương ở Khe Sanh, trong kháng chiến chống Mỹ. Ông ở đây được hơn 40 năm rồi. Mấy hôm nay thời tiết trở trời nên cơn đau hành hạ. Thấy đoàn đến, ông phấn khởi lắm, cố nén cơn đau để trò chuyện với đoàn thanh niên Quân đội đấy”.
Bác Nguyễn Văn Thế nắm chặt tay, dặn dò cán bộ Ban Thanh niên Quân đội luôn giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Đến phòng của bác Nguyễn Văn Thế, quê Nam Định, 81 tuổi, thương binh hạng ¼, bị mất sức lao động 91%, sống một mình tại đây đã 40 năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước tinh thần lạc quan của người lính đã từng tham gia Chiến dịch Mậu Thân, cùng đồng đội đánh thẳng vào TP Huế năm 1968. Sau khi nghe bác kể chuyện chiến đấu bằng chất giọng lúc trầm hùng, khi đanh, gọn, một cán bộ trong đoàn hỏi vui: “Giọng bác ấm vậy, chắc hồi chưa bị thương bác hát hay lắm nhỉ?”. Nghe vậy, bác cười, ra hiệu bắt nhịp rồi cất giọng hát luôn bài “Hát mãi khúc quân hành” với chất giọng hào hùng, sôi nổi như thời tuổi trẻ nơi chiến trường đang sống lại. Được một đoạn, có lẽ do cơn đau tái phát, thấy bác mặt hơi nhăn, Thượng tá Nguyễn Quang Huy liền ra dấu cho các cán bộ trong đoàn ngừng vỗ tay hát cùng để bác dừng lại.
Trong khoảnh khắc xúc động, bác cứ nắm chặt tay những cán bộ Ban Thanh niên Quân đội dặn dò: “Các chú còn trẻ, phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để xây dựng Quân đội, xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh, đẹp giàu nhé!”. Đáp lại lời bác dặn, các thành viên trong đoàn ai cũng “Vâng ạ!” với giọng rưng rưng…!!!
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN