Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị
Số liệu của Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy những kết quả khả quan của tình hình kinh tế - xã hội Thành phố trong 3 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2025 ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước trong quý I/2025 ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,05% so với năm 2024. Tình hình xuất khẩu có xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, "làm đúng" - từ nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất chuẩn, bao bì sáng tạo đến dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp - là chìa khóa để sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế và chinh phục lòng tin của thị trường. Để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ, phát triển các kênh bán hàng đa dạng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản.
Hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng cần tập trung xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, minh bạch về nguồn gốc, đầu tư vào thương hiệu và câu chuyện bản sắc Việt. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng kênh bán hàng, linh hoạt nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh – sạch – tiện lợi. Việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế ngay từ đầu và chủ động kết nối với các chương trình xúc tiến thương mại sẽ là nền tảng vững chắc để sản phẩm trong nước vươn ra thế giới.
Ông Lê Kim Tú, Giám đốc Điều hành Công ty Rạng Đông (Rando) phân tích các dự báo tăng trưởng GDP năm 2025
Trong khi đó, ông Lê Kim Tú, Giám đốc Điều hành Công ty Rạng Đông (Rando) chia sẻ, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi với dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 được các tổ chức uy tín đánh giá tích cực. Thị trường tiêu dùng nội địa khẳng định vai trò trụ cột, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung và được dự báo tăng trưởng mạnh, với quy mô bán lẻ có thể đạt 350 tỷ USD. Thương mại điện tử tiếp tục là động lực tăng trưởng bùng nổ, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu bán lẻ.
Xu hướng tiêu dùng nổi bật cho thấy sức khỏe trở thành tâm điểm quan tâm hàng đầu, tạo cơ hội lớn cho các sản phẩm đáp ứng nhu cầu này. Đồng thời, thế hệ Gen Z nổi lên như một lực lượng khách hàng chiến lược, định hình các xu hướng mới với sự ưu tiên cho trải nghiệm cá nhân hóa, mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment), mua sắm đa kênh (omnichannel) và tiêu dùng bền vững. Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt giá trị khoảng 75 tỷ USD vào năm 2025.
Để chinh phục thị trường, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đổi mới chiến lược, đặc biệt chú trọng đến nhóm khách hàng Gen Z và khai thác hiệu quả các kênh bán hàng trực tuyến.
Trên thực tế các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược sản phẩm bài bản nhằm giúp doanh nghiệp thành công. Quá trình này đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về thị trường và khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, bao bì không chỉ cần tính thẩm mỹ mà phải truyền tải giá trị cốt lõi và hướng đến yếu tố bền vững.
Chiến lược marketing hiện đại đóng vai trò then chốt, song song với việc tích hợp xu hướng mới như AI marketing để cá nhân hóa trải nghiệm, nội dung quảng bá kết hợp công nghệ và cảm xúc, xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành và triển khai trải nghiệm omnichannel liền mạch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu cũng cần thể hiện rõ sứ mệnh và trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn ESG, tận dụng lợi thế của livestream trên các trang thương mại điện tử, đồng thời hợp tác hiệu quả với người có tầm ảnh hưởng (influencer) để tối ưu chi phí và nâng cao độ tin cậy.
Tuyết Anh