Khoảng 21,2% dân số Việt Nam sở hữu tài sản kỹ thuật số, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới.
Yêu cầu cấp thiết từ thực tế
Việt Nam đang nổi lên như một trong những thị trường tiền mã hóa năng động nhất thế giới. Theo nhiều báo cáo, trong giai đoạn 2022 - 2024, Việt Nam liên tục ghi nhận dòng tiền mã hóa vào đạt trên 100 tỷ USD mỗi năm, vượt xa lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Khoảng 21,2% dân số Việt Nam sở hữu tài sản kỹ thuật số, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, tính theo số lượng người dùng. Tuy nhiên, sự bùng nổ này diễn ra trong bối cảnh thiếu khung pháp lý rõ ràng, khiến thị trường này rơi vào vùng xám - không được công nhận chính thức và cũng không có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Hệ quả từ khoảng trống pháp lý này là rất lớn. Không có quy định cụ thể, Việt Nam không thu được thuế từ các giao dịch tiền mã hóa, dẫn đến thất thu ngân sách nghiêm trọng. Thêm vào đó, sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư đã dẫn đến tình trạng lừa đảo lan rộng.
Theo Hiệp hội An toàn không gian mạng quốc gia, người dân Việt Nam đã mất khoảng 756 triệu USD vì các vụ lừa đảo trực tuyến trong năm 2024. Khoảng trống pháp lý cũng khiến nhiều startup tiềm năng trong lĩnh vực tiền mã hóa chuyển sang đăng ký tại những nước có chính sách tiến bộ hơn, như Singapore.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho tài sản mã hóa chưa bao giờ trở nên cấp thiết đến vậy.
Nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của tài sản mã hóa đối với tương lai kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu đã kêu gọi hành động khẩn trương về pháp lý.
Tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải quản lý tiền mã hóa như một loại tài sản ảo nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông bày tỏ ủng hộ việc thiết lập một cơ chế sandbox để thử nghiệm các nền tảng giao dịch tiền mã hóa có kiểm soát.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện chính sách về tài sản số và khung sandbox.
Ngày 1/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị ưu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tài sản số và tiền mã hóa, giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình khung chính sách toàn diện cho loại tài sản này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ sẽ sớm đề xuất ban hành nghị quyết về việc xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa được quản lý nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cho phép doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành tài sản số một cách hợp pháp.
Sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) là một khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ tài chính sáng tạo dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Điều này giúp đánh giá các công nghệ mới và tích hợp dần vào hệ thống pháp luật mà không làm gián đoạn sự ổn định của thị trường.
Đối với doanh nghiệp, sandbox tạo ra ranh giới pháp lý rõ ràng và môi trường có cấu trúc để đổi mới. Khi thiếu khung pháp lý, các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và công nghệ tài chính (Fintech) đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý, hạn chế khả năng phát triển và mở rộng.
Ông Ngô Đăng Lộc - Cộng sự, Phó trưởng phòng Ngân hàng & Tài chính, Thị trường vốn Công ty Luật Indochine Counsel.
Sandbox giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập khung tạm thời, cho phép thử nghiệm dịch vụ tài chính mới trong khi nhà quản lý đánh giá tác động tới thị trường. Điều này khuyến khích đổi mới có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và an toàn tài chính.
Trong 5 năm qua, Việt Nam từng nhiều lần đề xuất xây dựng khung sandbox cho tài sản mã hóa, nhưng chưa có đề xuất nào được thông qua chính thức. Bản dự thảo năm 2024 đặc biệt loại trừ các doanh nghiệp liên quan đến blockchain, phản ánh lập trường thận trọng.
Gần đây, Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam cho phép cơ chế sandbox cho các mô hình kinh doanh Fintech, trong đó bao gồm cả nền tảng giao dịch tiền mã hóa và tài sản được mã hóa. Đây là một bước chuyển chính sách quan trọng, đặt nền móng để Việt Nam phát triển nền kinh tế tài sản số theo hướng có quản lý.
Khung sandbox cần cân bằng giữa phát triển quốc gia và quản trị rủi ro
Các quy định được kỳ vọng sẽ tạo môi trường vừa có cấu trúc vừa linh hoạt cho nền kinh tế tài sản số, đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và tuân thủ khi tiền mã hóa tiếp tục phát triển.
Việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho đổi mới là điều thiết yếu. Những quy định rõ ràng, linh hoạt sẽ là nền tảng thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Sandbox nên cho phép các nền tảng giao dịch tiền mã hóa, dịch vụ tài chính dựa trên Blockchain và tài sản mã hóa hoạt động minh bạch dưới sự giám sát của cơ quan quản lý, từ đó củng cố tính toàn vẹn của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, tài sản mã hóa cũng mở ra những kênh gọi vốn và đầu tư mới. Sandbox nên tạo điều kiện cho hoạt động phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO) và chứng khoán mã hóa, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận dòng vốn toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Fintech và startup.
Với hàng triệu người Việt đã tham gia giao dịch tiền mã hóa, việc bảo vệ nhà đầu tư là hết sức quan trọng. Sandbox cần bao gồm các biện pháp chống gian lận nghiêm ngặt, tiêu chuẩn an ninh mạng và các chương trình giáo dục nhà đầu tư nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia và thúc đẩy ra quyết định có hiểu biết.
Để khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn, sandbox cũng nên cung cấp một số cơ chế miễn trừ tạm thời, như nới lỏng yêu cầu, linh hoạt tiếp cận thị trường và giảm gánh nặng tuân thủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm dịch vụ tài chính sáng tạo với rào cản gia nhập thấp hơn.
Sandbox nên tạo điều kiện cho hoạt động phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO) và chứng khoán mã hóa, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận dòng vốn toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Fintech và startup.
Ngoài ra, ưu đãi thuế và tài trợ từ Nhà nước có thể thu hút thêm các doanh nghiệp Fintech, giúp xây dựng hệ sinh thái tài sản số cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Thị trường tài sản số đã vượt xa khung pháp lý hiện hành, dẫn đến lãng phí cơ hội kinh tế, rủi ro tài chính gia tăng và dòng vốn chảy sang các quốc gia thân thiện với tiền mã hóa hơn.
Tuy nhiên, các chỉ đạo mới đây từ lãnh đạo cấp cao Việt Nam cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng khung pháp lý toàn diện cho tài sản mã hóa.
Bằng cách học hỏi từ các quốc gia đi đầu đã áp dụng sandbox thành công, Việt Nam có thể thiết kế một mô hình phù hợp, vừa thúc đẩy đổi mới, vừa thu hút đầu tư và bảo vệ các bên liên quan.
Vượt ra ngoài cải cách pháp lý, một sandbox được thiết kế bài bản có thể định vị Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực tài chính số và đóng góp vào tham vọng phát triển kinh tế rộng lớn hơn của đất nước.
Ngô Đăng Lộc