Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm

Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
4 giờ trướcBài gốc
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Điều đó có nghĩa, để chi bộ - hạt nhân chính trị vững mạnh, thì từng đảng viên - được xem là “tế bào” của chi bộ phải mạnh khỏe, phải tốt. Nếu phát hiện ra “tế bào” nào có dấu hiệu sa sút, hư hỏng thì cần có biện pháp can thiệp kịp thời, không để lan sang các tế bào khác.
Người đảng viên khi đã giơ tay tuyên thệ trước Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của đảng viên trong chi bộ, khẳng định rằng: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...” thì đều cần phải nỗ lực rèn luyện, giữ vững lời thề thiêng liêng ấy suốt cả cuộc đời, cống hiến vì Đảng, vì nước, vì dân.
Thế nhưng cũng có người, vì nhiều lý do, nguyên nhân đã không giữ được lời thề. Đó là biểu hiện xem thường kỷ luật của Đảng, tự ý bỏ sinh hoạt Đảng, không đóng đảng phí hằng tháng mà không có lý do chính đáng. Đó còn là một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội... Việc làm của họ đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Vì sự trong sạch, vững mạnh và trường tồn của Đảng, tổ chức buộc phải sàng lọc, đưa những “tế bào” hư hỏng này ra khỏi “cơ thể” Đảng, cho dù công việc này có khó khăn đến bao nhiêu đi chăng nữa.
Đảng bộ thành phố Hà Nội là đảng bộ lớn nhất của cả nước, cùng với việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, các cấp ủy đã chú trọng thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TƯ của Ban Bí thư và Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 24-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội”. Thống kê từ năm 2019 đến nay, toàn Đảng bộ thành phố đã có 3.306 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng. Trong đó, riêng từ năm 2023 đến nay có 1.346 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, khai trừ 191 đảng viên, xóa tên 1.146 đảng viên. Ngay trong 9 tháng năm 2024, toàn Đảng bộ thành phố đã rà soát 1.749 đảng viên, qua đó đã xóa tên 771 đảng viên. Việc làm này đã có tác dụng răn đe, giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
2. Có một thực tế, thời gian qua, cấp ủy các cấp luôn quan tâm đến công tác cán bộ, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu của công tác cán bộ. Song, một số cấp ủy chưa dành nhiều sự quan tâm đúng mức đối với công tác đảng viên. Trong bối cảnh ấy, việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TƯ đã góp phần rất quan trọng nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy để làm tốt hơn nữa công tác đảng viên.
Các cấp ủy đã coi trọng, đặt chất lượng đảng viên lên hàng đầu, nhất quán phương châm "thà ít mà tốt". Tuy vậy, phải khẳng định đây là công việc vô cùng khó khăn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, ở không ít cấp ủy, chi bộ còn có tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh, nhất là trong công tác đánh giá, xếp loại, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Hơn nữa, hệ thống văn bản hướng dẫn cũng chưa thực sự đầy đủ, nhiều nơi bị lúng túng hoặc có tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân mà các đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng chủ yếu là do vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ được phân công cho dù đã được chi bộ nhắc nhở, giáo dục; không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định... Vì vậy, việc rà soát đội ngũ đảng viên càng phải được tiến hành định kỳ, qua đó làm rõ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; đảng viên không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt hoặc đã chuyển sinh hoạt Đảng, nhưng không nộp hồ sơ cho tổ chức Đảng có thẩm quyền; những đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp, qua đó chọn lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách.
Có nhiều biện pháp thực hiện, nhưng trước hết cần xác định rõ, công việc rà soát, sàng lọc đảng viên trước hết là của chi bộ Đảng - nơi gần đảng viên, biết đảng viên và hiểu rõ đảng viên nhất. Điều quan trọng nữa là cần nâng cao tinh thần phê bình, đấu tranh với các biểu hiện vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng của chi bộ. Để ngăn chặn biểu hiện né tránh, ngại va chạm của chi bộ, cấp ủy cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát chi bộ và đảng viên trong thực hiện các quy định về thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, đặc biệt là quản lý đảng viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Đảng và cấp ủy Đảng các cấp của đảng viên.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang được toàn Đảng tiến hành trên tinh thần kiên quyết, mạnh mẽ. Trong đó, nhiệm vụ rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để Đảng trong sạch, vững mạnh và trường tồn, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bình Yên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/sang-loc-dang-vien-kho-cung-phai-lam-681306.html