Sập giàn giáo ở Ninh Bình, 2 người chết: Trách nhiệm ai?

Sập giàn giáo ở Ninh Bình, 2 người chết: Trách nhiệm ai?
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 21/9, tại một nhà xưởng ở thôn Xuân Mai, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, các công nhân đang đổ bê tông tại ngôi nhà khung thép 2 tầng thì xảy ra sự cố sập giàn giáo khiến 1 người chết tại chỗ, 3 người bị thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. UBND huyện Hoa Lư cho biết thêm, trong số 3 người nhập viện cấp cứu, đã có 1 người tử vong do vết thương quá nặng. Như vậy, vụ sập giàn giáo này ít nhất đã khiến 2 người chết, 2 người bị thương.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Giảng viên luật hình sự Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến hai người chết, hai người bị thương nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xem xét giải quyết trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ đầu tư công trình xây dựng này là ai, việc xây dựng công trình có thuộc trường hợp phải xin cấp giấy phép, có thiết kế hay không, việc xây dựng có tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn hay không. Trong trường hợp pháp luật quy định công trình này buộc phải có thiết kế và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng lại không có giấy phép, không có thiết kế phù hợp, vi phạm các quy định về khảo sát, thiết kế, thi công thì chủ đầu tư công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Giảng viên luật hình sự Trường Đại học Thủy Lợi.
Nếu công trình không thuộc trường hợp phải xin cấp giấy phép nhưng quá trình thi công không đảm bảo quy tắc an toàn dẫn đến tai nạn xảy ra thì chủ đầu tư công trình và người tổ chức thi công cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 Bộ luật Hình sự. Như vậy, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát nghiệm thu công trình gây hậu quả hai người chết thì sẽ phải đối mặt với hình phạt là từ 03 năm đến 10 năm tù.
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ việc tuân thủ các quy tắc an toàn trong xây dựng cũng như quy định về xây dựng của chủ đầu tư và đơn vị thi công để xác định có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến vụ tai nạn xảy ra hay không, trường hợp xác định có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, xây dựng là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi công trình phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, từ khâu khảo sát thiết kế, đến tổ chức thi công, lựa chọn vật liệu. Các vị trí công việc đòi hỏi phải có chuyên môn kỹ thuật, phải được tập huấn về an toàn lao động, các nguyên vật liệu, thiết bị thi công phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trường hợp có bất kỳ vi phạm hoặc sai sót, bất cẩn gì thì cũng đều có thể dẫn đến tai nạn lao động, mà khi đã tai nạn lao động xảy ra thì việc thiệt hại về người và tài sản là khó tránh. Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người đối với vấn đề tổ chức thi công công trình, cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý đồng thời việc làm rõ nguyên nhân cúng để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Xem thêm video: Sập cầu Phong Châu
Gia Đạt
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/sap-gian-giao-o-ninh-binh-2-nguoi-chet-trach-nhiem-ai-2034663.html