Sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị: Tạo không gian phát triển mới

Sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị: Tạo không gian phát triển mới
7 giờ trướcBài gốc
Lấy tên tỉnh Quảng Trị
Tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp TP. Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hai tỉnh có chung biên giới với Lào ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Bắc và cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 1.072,7 km về phía Nam theo Quốc lộ 1A.
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khoác tay thể hiện đoàn kết sau cuộc họp bàn về sáp nhập 2 tỉnh.
Tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên hơn 8.065km2; dân số gần 1.080.000 người; có 8 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới; có 145 ĐVHC cấp xã, bao gồm: 122 xã, 15 phường và 8 thị trấn; tổng biên chế là 29.854 người.
Tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 4.701km2; dân số hơn 791.000 người; có 10 ĐVHC cấp huyện, gồm: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, Dakrông, Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà; có 119 đơn vị cấp xã, bao gồm: 95 xã, 13 phường và 11 thị trấn; tổng biên chế là 24.937 người.
Theo đề án, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập sẽ mang tên tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt ở TP. Đồng Hới hiện nay; giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy như 2 tỉnh hiện nay sắp xếp lại; số lượng cơ quan, đơn vị của tỉnh mới không nhiều hơn số lượng đơn vị của 2 tỉnh hiện có; giữ nguyên các các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính độc lập, không tương đồng chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của 2 tỉnh hiện có.
Về số lượng biên chế của ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của 2 tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời gian 5 năm cơ bản bố trí theo quy định.
Tính chiến lược và ý nghĩa lịch sử
Theo đề án, sau sắp xếp, tỉnh Quảng Trị mới có hơn 12.699 km2 (đạt 254% so với tiêu chuẩn); dân số gần 1.870.000 người (đạt 254% so với tiêu chuẩn); kết thúc hoạt động của 18 ĐVHC cấp huyện hiện nay; có 78 ĐVHC cấp xã (69 xã, 8 phường, 1 đặc khu).
TP. Đồng Hới hiện nay sẽ là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị trong tương lai.
Việc sắp xếp Quảng Bình và Quảng Trị được lãnh đạo 2 tỉnh đánh giá là có tính chiến lược và ý nghĩa lịch sử sâu sắc; không chỉ mang lại lợi ích về tổ chức hành chính mà còn tạo không gian phát triển mới có quy mô lớn hơn, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương có vị trí địa lý chiến lược, nhiều tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, đặc biệt là cùng nằm trên các hành lang phát triển trọng điểm quốc gia và khu vực.
Qua đó, mở ra dư địa phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng tầm vị thế của địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Theo lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trong quá trình xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh cần có giải pháp để thực hiện có hiệu quả, cân nhắc thận trọng các yếu tố đặc thù, xem xét toàn diện quá trình hình thành, phát triển của từng ĐVHC, chú trọng giữ gìn, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh để tập trung phát triển đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Hai tỉnh hiện tại phải phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện cần thiết, bám sát định hướng của Trung ương để xây dựng đề án có lộ trình rõ ràng, đảm bảo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, có các chính sách hỗ trợ phù hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp, sáp nhập.
Hoàng Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sap-nhap-quang-binh-va-quang-tri-tao-khong-gian-phat-trien-moi-post1735343.tpo