Thải độc bằng cốt chanh
Mới đây, chị N.H.N (33 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ về việc phải vào bệnh viện cấp cứu gấp vì đau bụng. Chị N. tự nhận mình là nạn nhân của "chanh liều cao". Hơn một tháng trước, chị thấy bạn học cũ chia sẻ về sử dụng nước cốt chanh trị nhiều bệnh lý từ đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, thải độc kèm theo những bằng chứng về hiệu quả của loại đồ uống này. Đồng nghiệp cùng công ty cũng khoe sử dụng từ cả năm nay và cho con dùng theo, rất tốt.
Tiền sử, chị N. không bị đau dạ dày hay các bệnh đường ruột, chỉ số khối cơ thể vừa phải, không cần giảm cân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị thường xuyên liên hoan, tiệc tùng nên nghĩ rằng uống nước chanh thải độc và bắt đầu thử với niềm tin sẽ tốt.
“Ban đầu, tôi uống một quả và tăng dần lên đến 6 quả. Những ngày đầu uống, tôi bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng. Tôi vào cộng đồng hỏi mọi người, ai cũng động viên kiên trì. Biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa là cơ thể đang thải độc nên tôi càng cố uống”, chị N. nói.
Người phụ nữ trẻ kể bản thân như bị “thao túng tâm lý” nên vẫn nâng liều lượng lên từng ngày dù thấy cơ thể bất ổn.
Chị N. phải cấp cứu vì viêm dạ dày cấp sau khi uống chanh liều cao. Ảnh: NVCC.
Mới đây, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, chị N. đau và chướng bụng, khó tiêu hóa. Tình trạng đau ngày càng tăng nên trên đường về Hà Nội, đồng nghiệp lái xe đưa thẳng vào một bệnh viện tư cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày và ruột cấp, hậu quả của uống chanh liều cao.
Theo chị N, "việc sử dụng chanh liều cao tùy theo cơ địa của mỗi người, có thể bản thân tôi không hợp nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi ân hận chưa thải độc đã nhận bệnh án viêm dạ dày cấp”.
5 tác hại của chanh liều cao
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), thành phần dinh dưỡng nổi bật trong nước cốt chanh là vitamin C. Một quả chanh cung cấp 20–50 mg vitamin C, hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi oxy hóa.
Chanh còn chứa axit citric, chiếm 5–6% nước cốt, hỗ trợ ngăn sỏi thận và hấp thu khoáng chất. Loại quả này còn chứa kali, flavonoid và polyphenol có vai trò điều hòa huyết áp và chống viêm. Chanh giúp giảm calo gián tiếp khi thay nước ngọt bằng nước chanh pha loãng.
Tuy nhiên, các lợi ích như "giải độc gan", "đốt mỡ" hay "kiềm hóa máu" chưa bao giờ được khoa học xác nhận. Việc dùng chanh liều cao, bác sĩ Hoàng cho rằng rủi ro cao hơn. Các tác hại phổ biến như:
- Ăn mòn men răng: Axit citric hòa tan men răng, dẫn đến ê buốt, vàng răng và sâu răng. Nguy cơ cao khi uống nguyên chất, không dùng ống hút, hoặc uống trước khi đánh răng.
- Kích ứng đường tiêu hóa: Đặc biệt với người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày. Uống khi bụng đói dễ gây ợ nóng, buồn nôn.
- Ảnh hưởng thận: Người bệnh thận cần hạn chế kali, có thể gặp vấn đề nếu uống quá nhiều. Một số nghiên cứu còn nghi ngờ về ảnh hưởng đến pH nước tiểu.
- Loét miệng, tăng nhạy cảm ánh nắng (nếu dùng ngoài da): Do tính axit và các hợp chất nhạy cảm ánh sáng.
- Tương tác thuốc: Axit citric và limonene có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc như warfarin (chống đông máu), statin (giảm mỡ máu), itraconazole (thuốc chống nấm),…
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo nếu sử dụng chanh nên pha loãng khoảng 1/4–1/2 quả chanh với 240–300ml nước. Không uống khi bụng đói nếu có bệnh dạ dày; không uống quá 1–2 ly/ngày.
Những người nên tránh hoặc cẩn trọng dùng nước chanh như người bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh thận mạn, đang dùng thuốc tương tác, mòn men răng, dị ứng họ cam quýt. Phụ nữ có thai và cho con bú nên dùng lượng hợp lý như trong thực phẩm thông thường, không nên uống liều “tập trung”.
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh cộng đồng hãy uống nước chanh một cách hiểu biết, lắng nghe cơ thể – nếu thấy ê buốt, đau dạ dày, cần dừng lại.
Phương Thúy