Sau sự việc ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại: Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ di sản

Sau sự việc ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại: Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ di sản
một ngày trướcBài gốc
Ngai vua triều Nguyễn bản phục chế được đưa ra trưng bày tại điện Thái Hòa để phục vụ du khách. Ảnh: N.Q.
Cấp bách các giải pháp bảo vệ di sản
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND thành phố Huế đã có báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản các hiện vật quý và bảo vật quốc gia trên địa bàn.
“Bên cạnh đó, địa phương cũng tiến hành tổ chức đánh giá lại tình hình, yêu cầu rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, đưa ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các phương án để bảo vệ tốt hơn hiện vật cụ thể cũng như tổng thể di tích, di sản đang hiện hữu ở thành phố Huế” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Bình, thành phố Huế đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan rà soát lại công tác quản lý, bảo vệ và có các giải pháp cấp thiết ở những điểm di tích trọng yếu, những khu vực có trưng bày hiện vật quý. Giao trách nhiệm cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành xây dựng các phương án bảo vệ các di tích, bảo vật quốc gia, hiện vật quý theo đúng quy định của pháp luật.
Chính quyền địa phương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tập huấn công tác nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ trực tiếp tại các điểm di tích, di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân, cộng đồng quan tâm chung tay gìn giữ, bảo vệ các tài sản quý báu của dân tộc đang hiện hữu trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND thành phố Huế kiểm tra tại điện Thái Hòa. Ảnh: T.H.
Vì sao không bảo quản ngai vua trong tủ kính?
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là sự cố hết sức hi hữu và cũng là một bài học lớn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các di tích, di sản, bảo vật quốc gia.
Theo ông Trung, thời gian qua Trung tâm đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích... Mỗi loại hiện vật, bảo vật có quy trình bảo vệ riêng. Một số hiện vật, bảo vật quốc gia, định kỳ hàng tuần, cán bộ Bảo tàng sẽ đến theo dõi tình trạng để có phương án bảo quản phù hợp.
Chia sẻ về việc có ý kiến cho rằng tại sao Trung tâm không lắp tủ kính để bảo vệ ngai vua triều Nguyễn, ông Hoàng Việt Trung cho biết, phương án trên đã được đơn vị nghiên cứu, tuy nhiên qua xem xét việc này không phù hợp vì bảo vật quốc gia là một hệ thống từ trên xuống dưới, việc che chắn sẽ ảnh hưởng đến không gian di sản.
Đơn cử như trong điện Thái Hòa, nếu dựng hàng rào cao đến 1,8m sẽ làm mất đi tính nguyên trạng và giá trị không gian.
Quần thể di tích Cố đô Huế rất rộng lớn, vì vậy mọi phương án bảo vệ, trưng bày hiện vật đều phải được xây dựng sao cho vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn.
“Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất nên trưng bày phiên bản phục chế thay vì hiện vật thật. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của việc trưng bày” - ông Trung nói.
Thiết lập hàng rào bảo vệ điện tử
Theo ông Trung, sau sự việc xảy ra, đơn vị đã triển khai ngay một số giải pháp cấp bách, đồng thời xây dựng các giải pháp mang tính bền vững, dài hạn. Trên thực tế, tại điện Thái Hòa, Trung tâm đã trang bị hệ thống hàng chục camera giám sát, hệ thống báo động (thường được bật vào ban đêm), tuy nhiên qua vụ xâm hại bảo vật quốc gia lần này, sẽ phải có những giải pháp căn cơ, chặt chẽ hơn nữa.
“Sắp tới, tại điện Thái Hòa nơi đặt ngai vàng, chúng tôi có phương án về việc thiết lập hệ thống hàng rào ảo bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hệ thống này sẽ khoanh vùng khu vực cần được bảo vệ và người dân không được tiếp cận, nếu có người xâm nhập vào sẽ phát ra cảnh báo liên tục” - ông Trung thông tin.
Ngoài ra, để phòng tránh sự việc tương tự, thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật... đặc biệt là bảo vật quốc gia. Tập trung vào các giải pháp như: tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn…
“Đối với ngai vua triều Nguyễn bị làm hư hại, Trung tâm sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá thực trạng, từ đó xây dựng phương án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét để tu sửa, bảo quản theo đúng quy định của Luật Di sản” - ông Trung cho biết.
“Sau khi xảy ra sự việc một du khách có hành vi xâm hại, làm hỏng ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia đặt tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật của đơn vị này; đồng thời đưa ngai phục chế vào trưng bày tại điện Thái Hòa để phục vụ du khách đến tham quan” - ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết.
Nguyễn Quốc
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/sau-su-viec-ngai-vua-trieu-nguyen-bi-xam-hai-trien-khai-nhieu-bien-phap-bao-ve-di-san-10306788.html