Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 05/2025
Hình ảnh hoa sen gắn liền với sự kiện đức Phật Đản sinh, khi Ngài bước đi bảy bước, mỗi bước chân nở ra một đóa sen, tượng trưng cho sự giác ngộ giữa đời, được kinh điển ghi lại, mang ý nghĩa giác ngộ và thanh tịnh.
Tinh thần “Sen nở, Phật hiện” không chỉ là triết lý Phật giáo mà còn thấm sâu vào dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ thời Lý - Trần, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là sức mạnh tâm linh giúp dân tộc vượt qua thử thách. Hình ảnh hoa sen xuất hiện trong kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa và tư tưởng thiền học của các bậc minh quân như Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông.
Ngày nay, tinh thần ấy tiếp tục lan tỏa trong đời sống, thể hiện qua các hoạt động giáo dục, từ thiện, hoằng pháp, góp phần xây dựng một xã hội an lạc, nhân văn.
Từ khóa: Phật đản, Vesak, Sen nở Phật hiện, giác ngộ, từ bi, trí tuệ, giải thoát, Phật giáo Việt Nam, Lý - Trần, dân tộc, thiền học, giáo dục, từ thiện, hoằng pháp.
Chùa Một Cột (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang
Mỗi độ trăng tròn tháng Tư Âm lịch, người con Phật trên khắp thế giới hân hoan đón mừng Đại lễ Phật Đản - kỷ niệm ngày đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni thị hiện. Sự kiện hy hữu này được kinh điển ghi lại với hình ảnh hoa sen nâng gót chân khi Ngài đản sinh, từ đó truyền cảm hứng cho hình tượng “Sen nở Phật hiện” vang vọng trong tâm thức những người con Phật.
Hoa sen không chỉ là loài hoa đẹp, mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc trong nhiều hệ thống tín ngưỡng. Từ Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo đến tín ngưỡng dân gian của người Việt, hoa sen luôn là biểu tượng của sự thanh tịnh, giác ngộ và đạo đức cao quý.
Tinh thần này thấm sâu vào tâm thức dân tộc Việt, đặc biệt trong các triều đại Lý - Trần, khi Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là nền tảng tư tưởng, giúp đất nước hưng thịnh, vượt qua thử thách. Như sử gia Nguyễn Lang nhận định: “Phật giáo thời Lý - Trần không chỉ là một tôn giáo, mà còn là sức mạnh tâm linh giúp dân tộc vượt qua những thử thách của lịch sử”.(1) Hình ảnh hoa sen hiện diện trong kiến trúc chùa tháp, nghệ thuật, văn hóa và tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, đã in sâu trong đời sống, đồng hành cùng dân tộc trong những bước thăng trầm của lịch sử.
Hình ảnh Hoa Sen trong sự kiện Đản sinh
Ý Nghĩa Biểu Tượng “Sen Nở Phật Hiện”
Theo Kinh Bổn Sinh (Jātaka), khi Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, Ngài bước đi bảy bước, mỗi bước chân nở ra một đóa sen, tay chỉ trời, tay chỉ đất và tuyên ngôn: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.(2) Hình ảnh này mang ý nghĩa sâu sắc: (1) Bảy bước chân tượng trưng cho bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi), là nền tảng để đạt đến Niết-bàn. (2) Hoa sen nở dưới chân biểu trưng cho sự vô nhiễm, thanh tịnh giữa thế gian đầy vô minh, phiền não.
Như lời dạy trong Kinh Hoa Nghiêm: “Như hoa sen mọc trong bùn, không nhiễm mùi bùn, Đức Như Lai cũng sinh trong thế gian, mà không nhiễm thế gian”.(3) Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật cũng nhấn mạnh: “Như hoa sen vươn lên khỏi bùn, người có trí vượt lên khỏi phiền não mà không bị ô nhiễm.”(4) Tinh thần ấy chính là cốt lõi của đạo Phật, xuất hiện giữa đời, nhưng không bị đời làm ô nhiễm, luôn giữ sự thanh tịnh và trí tuệ để soi sáng cho chúng sinh.
Trong kinh điển Đại thừa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mô tả: Trong bùn mà chẳng nhiễm bùn, hoa sen tỏa hương thơm thanh tịnh.”(5)
Hoa sen trong tư tưởng và tín ngưỡng dân tộc
Hoa sen, từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt. Trong dân gian quan niệm hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, phản ánh triết lý sống của người Việt, dù trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn giữ được phẩm hạnh và cốt cách thanh cao. Triết gia Trần Văn Giàu nhận định:“Sen không chỉ là loài hoa gắn liền với thiên nhiên Việt Nam, mà còn phản ánh lý tưởng đạo đức và tinh thần tự cường của dân tộc”. Hòa thượng Thích Minh Châu nói rằng: “Hoa sen trong kinh điển Phật giáo không chỉ biểu tượng cho sự thanh tịnh, mà còn phản ánh con đường giác ngộ của mỗi chúng sinh”.(7)
Hoa Sen trong nghệ thuật, kiến trúc và tín ngưỡng dân gian
Hoa Sen trong nghệ thuật và kiến trúc: Hoa sen không chỉ là biểu tượng của sự thanh khiết và giác ngộ trong tư tưởng triết học, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật và kiến trúc. Với vẻ đẹp giản dị mà cao quý, sen đã xuất hiện trong điêu khắc, hội họa, trang trí, và đặc biệt là trong kiến trúc chùa chiền, cung điện.
Điêu khắc và chạm khắc: Hoa sen xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc từ thời Lý - Trần với các bệ tượng Phật, phù điêu chùa chiền. Các tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến:
+ Chùa Một Cột, là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo, tiêu biểu mang hình dáng hoa sen. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, với phần chính điện tọa lạc trên một cột đá giữa hồ sen, thể hiện hình ảnh đóa sen vươn lên khỏi mặt nước, là biểu tượng của trí tuệ và sự thanh tịnh.
Nhà nghiên cứu Phan Huy Lê nhận xét: “Chùa Một Cột là sự kết hợp hài hòa giữa triết lý Phật giáo và nghệ thuật kiến trúc dân tộc, lấy hình tượng hoa sen làm trung tâm”.(8) Nhà nghiên cứu Phạm Đức Dương nhận định: “Chùa Một Cột không chỉ là biểu tượng văn hóa Phật giáo mà còn thể hiện rõ tinh thần ‘liên hoa hóa thân’ của dân tộc Việt”.(9)
+ Bên cạnh đó, hoa sen còn xuất hiện trên bệ tượng Phật, tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Đây là một kiệt tác điêu khắc thời Lý, với hình ảnh đài sen nâng đỡ tượng Phật A Di Đà, thể hiện quan niệm “liên hoa hóa thân”(10) trong Phật giáo.
+ Chùa Tây Phương (Hà Nội) nổi tiếng với các tượng Phật và Bồ Tát ngồi trên tòa sen, chùa Tây Phương là một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo. Các tòa sen ở đây không chỉ là bệ đỡ mà còn mang giá trị triết học sâu sắc.
Chùa Tây Phương (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang
+ Cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh): Chạm khắc hoa sen trên đá, với kỹ thuật tinh xảo, tượng trưng cho sự vươn lên từ bùn lầy để đạt đến giác ngộ.
Hình ảnh hoa sen đi vào ca dao, tục ngữ, thi ca…đã ca ngợi phẩm chất của hoa sen, cũng như dùng sen để ẩn dụ cho đạo đức con người:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Câu ca dao này không chỉ nói lên vẻ đẹp của hoa sen, mà còn thể hiện triết lý sống của người Việt, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn giữ được phẩm chất cao đẹp, trong sạch, mà dân tộc ta luôn hướng đến, giống như tinh thần giải thoát của Phật giáo.
Hội họa và trang trí: Hoa sen, không chỉ mang ý nghĩa triết học sâu sắc trong Phật giáo, mà còn là đề tài quan trọng trong nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là hội họa và trang trí. Từ tranh dân gian truyền thống đến hội họa hiện đại, từ trang trí kiến trúc, đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hình ảnh hoa sen luôn gắn liền với vẻ đẹp thanh khiết, tinh thần hướng thiện và cốt cách cao quý của người Việt.
Tranh dân gian Việt Nam, đặc biệt làdòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng, thường sử dụng hình ảnh hoa sen, để thể hiện sự thanh cao, thuần khiết và may mắn. Một số bức tranh tiêu biểu có thể kể đến:
+ “Cá chép trông trăng” (tranh Đông Hồ): Hình ảnh cá chép bơi xung quanh đóa sen, biểu trưng cho sự kiên trì và trí tuệ. Theo quan niệm dân gian, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, cũng giống như hoa sen vươn lên từ bùn, thể hiện ý chí vươn lên của con người.(11) Như Họa sĩ Lê Bá Đảng (1921- 2015) từng nhận xét: “Hoa sen trong hội họa không chỉ là biểu tượng của Phật giáo, mà còn là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái đẹp và triết lý nhân sinh”.(12)
Tranh Đông Hồ: Cá chép trông trăng - Ảnh: Sưu tầm
+ “Phật Bà Quan Âm tòa sen” (tranh Hàng Trống): Miêu tả Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên đài sen, tượng trưng cho lòng từ bi, trí tuệ và sự cứu độ của Bồ Tát.
Hoa Sen trong tín ngưỡng dân gian: Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ, thanh tịnh và tinh thần vươn lên khỏi trần tục. Theo kinh điển Phật giáo, đức Phật Thích Ca khi đản sinh, đã đi bảy bước, mỗi bước nở ra một hoa sen.(13) Hình ảnh này thể hiện trí tuệ siêu việt và sự thoát ly khổ đau của Ngài.
Trong tín ngưỡng dân gian, hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt trong tâm linh và văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Hoa sen thường xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng, trong các sự kiện, đặc biệt là trong lễ Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, tượng trưng cho lòng hiếu thảo và sự tịnh hóa tâm hồn.
Sen nở, Phật hiện trong thời đại ngày nay
Ngày nay, tinh thần Phật giáo vẫn tiếp tục soi sáng con đường phát triển của đất nước. Mỗi mùa Phật đản về, hình ảnh hoa sen nở, lại nhắc nhở chúng ta về những giá trị cốt lõi của đạo Phật: từ bi, trí tuệ và giải thoát. Những điều này minh chứng rằng tinh thần “Sen nở, Phật hiện” vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ trong lòng dân tộc.
Ứng dụng trong đời sống: Sự hình thành của sen, diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi. Sen ẩn sâu dưới bùn, xa lìa trần thế gọi là u vi, giống như cuộc đời của người tu hành.
Tượng Phật A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang
Khi đối mặt với nhiều thách thức của thời đại, với đủ thứ tốt xấu, hơn thua, phải trái, đúng sai, buồn vui lẫn lộn, ta phải cố gắng chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, hướng đến từ bi và trí tuệ.
Giữ gìn tinh thần “sen nở Phật hiện”: Khi tâm thức thanh tịnh, tràn đầy từ bi và trí tuệ, thì Phật tính hiển lộ, cũng như hoa sen nở rộ giữa đời. Hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp, hôi hám mà trổ ra hoa có mùi hương tinh khiết. Bùn là tượng trưng cho phiền não tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến. Hoa sen là biểu tượng của sự thanh tịnh, sáng suốt. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói đến đặc tính tượng trưng cho con đường tu tập của chúng ta, đó là tám đặc tính của hoa sen: (1) tính Vô Nhiễm; (2) tính Thanh Lương; (3) tính Kiên Nhẫn; (4) tính Viên Dung; (5) tính Thanh Cao; (6) tính Điều Hòa; (7) tính Lợi Ích; (8) tính Giác Ngộ.
Quá trình nở hoa của sen cũng giống như cuộc sống của chư Phật, chư Bồ tát khi thị hiện vào đời, nhưng không hề bị dòng đời cuốn trôi. Ngược lại, phàm phu như chúng ta thì đụng đâu dính đó bởi sự cố chấp nơi mỗi người.
Hình ảnh cây sen vươn lên khỏi bùn rồi nở hoa tinh khiết cũng giống như người tu hành chân chính sống giữa cuộc đời biết bao dính mắc mà vẫn vươn lên làm chủ bản thân để cùng chia vui sớt khổ với tất cả mọi người.
Người tu hành chân chính, dù sống trong hoàn cảnh bị ô nhiễm nhưng vẫn tỉnh giác trong từng phút giây, không bị các niệm phải quấy, tốt xấu, hơn thua, thiện ác chi phối làm vẩn đục tâm. Sống được như vậy chúng ta mới thật sự bình yên, hạnh phúc như hoa sen vươn khỏi bùn nhơ tỏa hương thơm tinh khiết.
Phát huy tâm Phật
Phật giáo luôn nhấn mạnh rằng, mỗi con người đều có “Phật tính”(14) tức là khả năng giác ngộ và giải thoát. Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy rằng: “Khi tâm trong sáng, thế giới cũng trong sáng”.(15) Vì vậy, để có một cuộc sống an lạc, con người cần trở về bản tâm thanh tịnh của mình.
Thực hành Chính niệm: giúp tâm không bị vọng tưởng dẫn dắt, luôn tỉnh thức trong từng suy nghĩ và hành động, giữ giới, để nuôi dưỡng trí tuệ và đạo đức.
Thực hành Thiền định: giúp chúng ta quay về với chính mình, làm lắng đọng những phiền não và lo âu.
Thực hành Từ bi: giúp nuôi dưỡng tâm Phật sáng suốt là tâm biết yêu thương, tha thứ và không chấp vào hơn thua. Thực hành tâm từ sống hài hòa, không bị ngoại cảnh chi phối.
Để cho tu tập cá nhân mỗi ngày luôn được hương thơm, tinh khiết, hoàn hảo, mở rộng niềm hạnh phúc thật sự ngay hiện tại, nơi nào có chư Phật-Bồ tát ra đời thì nơi đó chúng sinh được an vui, lợi lạc.
Kết luận
Trong thời đại ngày nay, khi con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy vật chất và dục vọng, tinh thần này càng trở nên quan trọng. Mỗi người có thể trở thành một hoa sen thanh cao giữa đời bằng cách sống đạo đức, hướng thiện, phát huy trí tuệ và lan tỏa lòng từ bi. Tinh thần này không chỉ giúp mỗi cá nhân đạt đến sự an lạc mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Khi hoa sen nở, ánh sáng giác ngộ sẽ tỏa khắp nhân gian, mang đến hòa bình và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Hình tượng “sen nở Phật hiện” không chỉ phản ánh sự kiện Phật đản mà còn chứa đựng triết lý sâu sắc về con đường tu tập.
Mùa Phật Đản về, sen lại nở khắp nơi, như nhắc nhở chúng ta rằng, ánh sáng giác ngộ luôn hiện hữu. Mỗi người con Phật hãy tự làm cho đóa sen trong tâm mình khai mở, để đức Phật hiển hiện giữa đời thường, để ánh sáng Phật pháp tiếp tục lan tỏa trong lòng dân tộc.
Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh - Phó Viện trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 05/2025
CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, 1994, tr. 205.
(2) Kinh Bổn Sinh, dịch giả Thích Minh Châu, Nxb Kinh điển Pali, 1998, tr. 23
(3) Kinh Hoa Nghiêm, dịch giả Thích Trí Tịnh, Nxb Tôn giáo, 2002, tr. 152.
(4) Kinh Đại Bát Niết Bàn, dịch giả Thích Tuệ Sỹ, Nxb Phật Học, 2005, tr. 87.
(5) Kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa, dịch giả Thích Trí Tịnh, Nxb Tôn Giáo, 2020.
(6) Trần văn Giàu, Triết học và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 215.
(7) Thích Minh Châu, Dịch thuật và giải thích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 47.
(8) Phan Huy Lê, Văn hóa và lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr. 254.
(9) Phạm Đức Dương, Văn hóa Đông Nam Á trong tiến trình hội nhập, Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr. 132.
(10) Nguyễn Duy Hinh, Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, Nxb Văn hóa, 2004, tr. 112.
(11) Nguyễn Bá Lăng, Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2002, tr. 86.
(12) Lê Bá Đảng, Nghệ thuật và biểu tượng, Nxb Mỹ thuật, 2010, tr. 112.
(13) Kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 82.
(14) Kinh Đại Bát Niết Bàn, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn Giáo. 2016, tr. 234.
(15) Kinh Tứ Thập Nhị Chương,Thích Thanh Từ dịch, Nxb Hồng Đức. 2015, tr. 102.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Trí Tịnh, Kinh Hoa Nghiêm, Nxb Tôn giáo, 2002.
2. Thích Trí Tịnh, Kinh Pháp Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020.
3. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Nxb Hội Nhà Văn, 2018.
4. Thích Minh Châu, Kinh Bổn Sinh, Nxb Kinh điển Pali, 1998.
5. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb Phật Học, 2005.
6. Trần Văn Giáp, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1987.
7. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, 1994.
8. Thích Minh Châu, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nxb Tôn giáo. 2006.
9. Phạm Đức Dương, Văn hóa Đông Nam Á trong tiến trình hội nhập. Nxb Khoa học Xã hội. 2010.
10. Trần Văn Giàu, Triết học và văn hóa Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội. 1993.
11. Chu Đôn Di, Tuyển tập văn chương “Trung Hoa cổ đại”. Nxb Văn học. 2002.
12. Nguyễn Bá Lăng, Tranh dân gian Việt Nam. Nxb Mỹ thuật. 2002.
13. Lê Bá Đảng, Nghệ thuật và biểu tượng. Nxb Mỹ thuật. 2010.
14. Trần Quốc Vượng, Nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa. 1998.
15. Nguyễn Hạnh, Hoa sen trong mỹ thuật Việt Nam. Nxb Mỹ thuật. 2015.
16. Phạm Quỳnh, Tục ngữ, ca dao và triết lý nhân sinh. NXB Giáo dục. 2015