Siết chặt quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Siết chặt quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới
3 giờ trướcBài gốc
Kênh xuất khẩu quan trọng
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh nhưng khó quản. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đánh giá: Thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như: Mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh số tăng nhanh trong thời gian ngắn; nhanh chóng nắm bắt ý kiến phản hồi của khách hàng để kịp thời cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; giải quyết bài toán thời vụ…
Để quản lý kênh bán lẻ hiện đại này, năm qua, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, thanh tra và xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử. Tính đến năm 2024, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 89.802 doanh nghiệp, tổ chức và 27.878 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 117.075 website thương mại điện tử và 9.256 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký; hồ sơ đăng ký của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử được thực hiện toàn bộ thông qua Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đảm bảo xử lý nhanh chóng, hiệu quả và không phát sinh tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ.
Riêng với thương mại điện tư xuyên biên giới: Bộ đã kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất việc ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới…
Còn nhiều bất cập
Dù đã rất nỗ lực trong giám sát, quản lý song vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Văn bản pháp lý về thương mại điện tử mặc dù đã có các quy định về việc rà soát, kiểm soát, xử lý những thông tin vi phạm nhưng hoạt động vi phạm trong không gian mạng diễn ra ngày một tinh vi, đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Đối với kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn hơn: Mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định ban đầu về điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức.
Trước thực tế này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và nền tảng như Temu, Shein nói riêng, đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025, kinh tế số, thương mại điện tử tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm. Song điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với vai trò của mình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất việc ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử; quản lý giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng; đấu tranh, xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thương mại điện tử; tăng cường giám sát các nền tảng thương mại điện tử thực hiện các hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật.
Nhằm giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam, theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, từ ngày 18/2/2025, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/siet-chat-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-369185.html