Mặc dù được đào tạo bài bản trong các cơ sở giáo dục đại học chất lượng, tuy nhiên, các em sinh viên còn thiếu rất nhiều tiêu chí để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những ứng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà còn đánh giá cao kỹ năng mềm, khả năng thích nghi và tinh thần học hỏi.
Là đơn vị chuyên sản xuất linh kiện ô tô, bà Nguyễn Khánh Ly – Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Denso Việt Nam cho rằng một đơn vị kinh doanh muốn phát triển, rất cần chuyên môn và công nghệ để tạo ra những giá trị mới. Chính vì vậy, đòi hỏi các nhân sự trong công ty cũng phải có 2 yếu tố này.
"Chúng tôi cần những người làm kế toán hay quản trị nhân sự hiểu về AI. Vì vậy, sinh viên trong bối cảnh mới các em không chỉ hiểu về kiến thức chuyên môn, mà phải thành thạo công nghệ thông tin, nhằm tạo ra những giá trị mới cho công ty mình làm việc", bà Nguyễn Khánh Ly chia sẻ.
Bà Nguyễn Khánh Ly – Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Denso Việt Nam
Đối với yêu cầu về ngôn ngữ, đại diện Công ty TNHH Daiwa House Việt Nam nhận thức sinh viên Việt Nam ngày càng có trình độ về ngoại ngữ, nhưng do nội dung đào tạo hiện còn thiên về sách vở, nên ngôn ngữ các em sử dụng vẫn "giống" sách giáo khoa.
Vị đại diện cho biết: "Điều này tạo ra hạn chế rất lớn khi sinh viên đi ứng tuyển ở các công ty nước ngoài. Sinh viên còn chú trọng ngữ pháp mà thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế, không được tự nhiên trong quá trình trao đổi với người bản xứ. Nhiều trường hợp, các em nghe hiểu nội dung hội thoại nhưng lại không trả lời được câu hỏi sẽ rất lãng phí".
Ngoài ra, nếu mong muốn làm việc tại các công ty nước ngoài, đa quốc gia tác phong, văn hóa làm việc của từng nước cũng là những nội dung sinh viên phải trang bị cho bản thân.
Đưa ra kiến nghị, đại diện nhà tuyển dụng cho rằng các nhà trường cần tạo cho sinh viên cơ hội sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, học thêm các kỹ năng báo cáo công việc, để giảm thiểu việc đào tạo lại sau khi ra trường.
Quản lý tài chính cá nhân là nội dung mà bà Nguyễn Thùy Dương – Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục 2Target nhận thấy sinh viên Việt Nam còn thiếu nếu muốn tham gia thị trường lao động hiện nay.
"Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 75% không biết quản lý tài chính và vay nợ không rõ mục đích. Việc khủng hoảng tài chính cá nhân sẽ khiến các em căng thẳng, từ đó ảnh hưởng chất lượng, năng suất lao động. Đây được coi là kỹ năng mà mà nhà trường cũng cần quan tâm và trang bị cho các em đang học năm cuối sắp ra trường", bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thùy Dương – Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục 2Target.
Đại diện đơn vị đào tạo, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa đánh giá sinh viên cần nắm vững trong tay kỹ năng cứng và mềm trước khi tham gia thị trường lao động.
"Có những sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi, thậm chí là Xuất sắc với điểm số rất cao, nhưng chưa chắc đã hòa nhập tốt vào thị trường. Bởi ngoài những kiến thức hàn lâm, doanh nghiệp có yêu cầu rất lớn về kỹ năng mềm. Các trường học cũng cần quan tâm đến việc đào tạo các kỹ năng này. Đó là những kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ và hiện nay chúng ta cũng cần cả những kỹ năng về sử dụng công nghệ như AI.
Nước ta đang trong giai đoạn mở cửa thị trường, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nếu không được trang bị các kỹ năng mềm, sinh viên không thể cạnh tranh được trong thị trường hiện nay", bà Trần Thị Minh Hòa nói.
Cùng với đó, với tính mở của thị trường như hiện nay, nếu người Việt Nam có thể ra nước ngoài lao động, thì chắc chắn người nước ngoài cũng sẽ đến nước ta để làm việc. Vì vậy, nếu các em sinh viên không được trang bị tốt, chắc chắn chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Trước băn khoăn, sẽ có nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế và mất đi bởi AI, bà Minh Hòa nhấn mạnh: "Điều có mặt đúng và không đúng. Robot hay AI chỉ thay thế phần nào con người chứ không phải hoàn toàn. Hiểu được như vậy, các trường đại học sẽ phải trang bị thêm kiến thức cho sinh viên, phát triển lĩnh vực để các em thích nghi với việc làm, không phải là học ra trường để bị thay thế".
Nguyễn Hoa Trà