Số ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam tăng gần 20%

Số ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam tăng gần 20%
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 11/10, tại TP. Đà Nẵng, Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp với phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10.
Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10 thảo luận các xu hướng mới của lĩnh vực tim mạch can thiệp
Diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/10, hội nghị khoa học Tim mạch Can thiệp toàn quốc lần thứ 10 với chủ đề “Can thiệp Tim mạch trong kỷ nguyên mới: Kết nối – Chia sẻ - Thành công” thu hút sự quan tâm, tham gia của hơn 200 báo cáo viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trong nước và quốc tế cùng khoảng 800 khách tham dự là những người quan tâm đến lĩnh vực tim mạch can thiệp.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, theo báo cáo từ Bộ Y tế, trong hai năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam đã tăng gần 20% so với các năm trước, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.
Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40.000 - 50.000 ca can thiệp đặt stent mạch vành được thực hiện để cứu sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên...
Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, tại Việt Nam, ca can thiệp động mạch vành đầu tiên thực hiện tại Viện Tim Mạch Việt Nam năm 1995. Đến nay, trên cả nước có hơn 140 trung tâm can thiệp tim mạch trên cả nước với đội ngũ bác sỹ làm can thiệp tới gần 500 người. Trình độ chuyên môn cũng như kỹ thuật thực hiện các ca can thiệp tim mạch trong nước ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực can thiệp tim mạch của Việt Nam cũng còn những thách thức như chênh lệch khoảng cách giữa các tuyến trung ương và địa phương, giữa trong nước với các nền y tế tiên tiến trên thế giới, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng. “Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch, tham khảo, Hội nghị Khoa học Tim mạch Can thiệp toàn quốc được tổ chức hàng năm, là diễn đàn để những y bác sĩ làm can thiệp tim mạch cập nhật và áp dụng những tiến bộ y khoa mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong nước và với đồng nghiệp quốc tế”, GS.TS Phạm Mạnh Hùng nói.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực hội Tim mạch học Việt Nam
Hội nghị năm nay gồm hơn 50 phiên thảo luận khoa học bao gồm các phiên tổng quan, các phiên truyền hình trực tiếp về 5 ca can thiệp hay và phức tạp từ 3 trung tâm tim mạch lớn trong cả nước thuộc các bệnh viện: Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đà Nẵng.
Đặc biệt, năm nay, những vấn đề về can thiệp các bệnh tim cấu trúc được đề cập đến rất nhiều và đây cũng là xu hướng tương lai. Các kỹ thuật như can thiệp van tim, thay van, sửa van tim qua đường ống thông là những ví dụ điển hình.
Các đại biểu tham quan triển lãm các thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch can thiệp
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực hội Tim mạch học Việt Nam, tim mạch can thiệp là một lĩnh vực ngày càng phát triển, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng và tiên phong trong chẩn đoán và nhất là điều trị những bệnh lý tim mạch phức tạp. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật can thiệp tim mạch ngày càng được phổ biến hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.
Phân hội Tim mạch Can thiệp luôn là một phân hội năng động và hiệu quả, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của Hội Tim mạch Việt Nam. Con số trên 140 trung tâm Tim mạch can thiệp trên cả nước, bao phủ gần như hầu hết các tỉnh thành chính là con số rất ấn tượng, thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành Tim mạch can thiệp nước ta”, GS.TS Nguyễn Lân Việt nói và bày tỏ tin tưởng với việc được nâng cao không ngừng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ lĩnh vực tim mạch, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành Tim mạch can thiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển nhiều hơn nữa.
Triển lãm, giới thiệu các thành tựu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra chương trình triển lãm, giới thiệu các thành tựu kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch can thiệp.
Ca can thiệp động mạnh vành đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi bác sĩ Gruntzig (Thụy sỹ) năm 1977.
Trải qua gần 50 năm, tim mạch can thiệp đã trở thành một chuyên ngành quan trọng hàng đầu trong điều trị bệnh lý tim mạch và có nhiều tiến bộ không ngừng. Tim mạch can thiệp không chỉ can thiệp các bệnh lý động mạch vành góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân mà còn mở rộng sang nhiều bệnh lý tim mạch khác như các bệnh mạch máu lớn, rối loạn nhịp đặc biệt là can thiệp các bệnh tim cấu trúc (bao gồm các bệnh lý van tim, tim bẩm sinh, cơ tim...). Ước tính hiện nay, hàng năm trên toàn cầu có khoảng 12 triệu ca được can thiệp động mạch vành, và khoảng 2 triệu ca được can thiệp các bệnh tim cấu trúc.
Vũ Lê
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/so-ca-benh-can-can-thiep-tim-mach-tai-viet-nam-tang-gan-20-351703.html