Sống chung với voi ở Nepal (1): Voi bị ép đến đường cùng

Sống chung với voi ở Nepal (1): Voi bị ép đến đường cùng
4 giờ trướcBài gốc
Dân làng ném lửa về phía bầy voi để xua đuổi
Tiếng va chạm mạnh vào cửa sổ kính khiến trái tim của Krishna Bahadur Rasaili đập loạn xạ. Khi bước ra ngoài, người nông dân chết đứng khi thấy kho thóc của mình nằm trong đống đổ nát và đáng sợ hơn là một con voi đang ăn từng bao lương thực mà gia đình vừa vất vả thu hoạch.
Voi không còn sợ người hù dọa
Trong nhiều năm, đây là một thực tế đáng sợ ở Bahundangi, một ngôi làng nằm bên sông Mechi dọc theo biên giới giữa Nepal với Ấn Độ. Những con voi châu Á hoang dã (Elephas maximus) khi di cư theo tuyến đường quen thuộc của chúng, thường xuyên tấn công các làng bản, ăn hết mùa màng và thậm chí là phá kho thóc.
Trong cơn tuyệt vọng, những người dân làng như Rasaili, đã quen với việc khua chiêng, gõ trống và ném lửa để xua đuổi chúng nhưng càng về sau nỗ lực như vậy càng vô ích. Cuối năm 2021, Rasaili thậm chí còn cân nhắc đến việc dùng đến các phương pháp cũ tức là dùng súng đạn. Nhưng các thành viên trong gia đình người nông dân này kịp nhớ những gì các nhà vận động địa phương đã nói với họ về loài voi và thay đổi ý định.
Thay vì la hét xua đuổi hoặc chống trả, họ lặng lẽ ở trong nhà. Với một nửa cơ thể chui vào trong nhà, con voi đã ăn hết gạo rồi bỏ đi. Rasaili nói: “Chúng tôi không còn sợ voi nữa và cũng không tức giận với chúng nữa. Khi chúng đến, chúng tôi ở trong nhà. Nếu chúng tôi mặc kệ, bầy voi sẽ đi theo đường của chúng. Nếu chúng tôi hét lên, chúng sẽ gây rắc rối”.
Các nhà bảo tồn cho biết ngôi làng này từng là điểm nóng xung đột giữa người và voi, nhưng giờ đã chuyển mình thành mô hình chung sống hòa bình giữa con người và động vật hoang dã thông qua sự kết hợp của các chiến lược sáng tạo. Trong số đó phải kể đến việc thực hiện hiệu quả các biện pháp bồi thường hỗ trợ của chính phủ. Nhờ chính sách bồi thường, người dân đã thay đổi thái độ đối với loài vật này.
Nhà nghiên cứu về voi Narendra Man Babu Pradhan, từng quản lý tại Công viên quốc gia Chitwan cho biết: “Bahundangi đã chứng minh rằng việc chung sống với voi hoang dã là điều có thể. Điều này cho thấy rằng chỉ nâng cao nhận thức là không đủ; chúng ta cần chủ động thay đổi thái độ của mọi người đối với động vật hoang dã”.
Những chú voi từng lang thang khắp hành lang đông-tây của đồng bằng phía nam Nepal, băng qua hơn 900 km. Mặc dù số lượng của chúng vào thời điểm đó vẫn chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đồng bằng màu mỡ của các con sông Koshi, Gandaki và Karnali đã cung cấp đủ thức ăn và không có bóng dáng của con người. Do vậy, chúng có thể di chuyển tự do. Nhưng theo thời gian, làn sóng di cư ồ ạt, sự phát triển của đường sá và cơ sở hạ tầng đã cản trở sự di chuyển tự do của voi đến mức chia cắt quần thể voi ra làm hai khu trong một thời gian ngắn.
Chính con người đã xâm lấn lãnh địa voi
Một thập niên trước, Bahundangi là tâm điểm của cuộc xung đột giữa người và voi ở Nepal. Hàng năm, trong mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 11), những con voi hoang dã di cư sẽ vượt biên giới từ Ấn Độ, giẫm đạp lên các cánh đồng, phá hủy nhà cửa và đôi khi làm thiệt mạng người dân. Con người cũng gây thiệt hại với voi và theo phòng lâm nghiệp quận Jhapa khoảng 20 con voi đã chết trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2022.
Pradhan cho biết: “Những con voi này vốn là loài di cư tự nhiên, đi bộ vài km mỗi ngày. Khi nhu cầu ăn uống của chúng được đáp ứng trong rừng, chúng hiếm khi mạo hiểm xâm nhập vào khu định cư của con người. Tuy nhiên, do rừng bị thu hẹp và nguồn thức ăn cạn kiệt, giờ đây chúng buộc phải vào đồng ruộng và nhà dân để tìm kiếm thức ăn”.
Bất cứ khi nào bầy voi đến, thiệt hại kinh tế đều rất lớn. Những con voi ăn hết các loại cây trồng như lúa và ngô — những loại lương thực chính của nông dân địa phương. Chỉ riêng năm 2010, gần 100 ngôi nhà và kho thóc đã bị phá hủy, và ít nhất ba người dân làng đã thiệt mạng trong một vụ voi càn quét.
Đối mặt với tổn thất ngày càng tăng, chính phủ liên bang, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, đã xây dựng một hàng rào điện dài 18 km vào năm 2015, với hy vọng tạo ra một rào cản giữa nhà cửa, đồng ruộng của con người và những con voi.
Nhưng loài voi cực kỳ thông minh đã nhanh chóng thích nghi. Shankar Luitel, một nhà bảo tồn địa phương cho biết “Chúng dùng ngà để phá hỏng những sợi dây điện trên cùng, khiến hàng rào trở nên vô dụng ở nhiều khu vực”.
Mặc dù vậy, hàng rào cũng giúp giảm đáng kể thiệt hại về mùa màng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nhờ hàng rào, thiệt hại mùa màng giảm 93% và thiệt hại tài sản giảm 96%. Tuy nhiên, voi vẫn tiếp tục tìm đường vào, nguy cơ xung đột vẫn tiềm ẩn.
Dùng tiền bồi thường bảo vệ voi
Năm 2009, chính phủ Nepal đã đưa ra Hướng dẫn cứu trợ thiệt hại do động vật hoang dã. Đây là chính sách bồi thường cho dân làng về những tổn thất do động vật hoang dã gây ra. Hướng dẫn đã được sửa đổi và cập nhật nhiều lần sau khi có khiếu nại về việc thủ tục quá lòng vòng và không bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.
Arjun Karki, một quan chức địa phương cho biết: "Trước đây, khi một con voi giết người hoặc phá hoại mùa màng, người dân phải chịu đau khổ một mình. Bây giờ, các gia đình đã nhận được hỗ trợ tài chính, giúp xoa dịu một phần cơn phẫn nộ".
Tuy nhiên, chỉ riêng chính sách không thể thay đổi thái độ. Đó là lúc những nhà hoạt động bảo tồn như Luitel vào cuộc. Luitel đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận được khoản bồi thường, kể cả những người nông dân mù chữ. Ông đã tạo ra các mẫu yêu cầu bồi thường đơn giản hóa, giúp nạn nhân dễ dàng thực hiện theo đúng quy trình hơn. Để nhận được khoản bồi thường, trước tiên người nộp đơn phải có được xác nhận từ văn phòng chức năng và cảnh sát địa phương. Nếu việc đòi bồi thường liên quan đến tai nạn do bị voi tấn công, yêu cầu sẽ được gửi đến văn phòng lâm nghiệp quận; đối với mất mùa, yêu cầu sẽ được gửi đến văn phòng nông nghiệp quận.
Kể từ năm 2015, Luitel đã tình nguyện hỗ trợ các gia đình về thủ tục giấy tờ. Ông cho biết: "Tôi đã xử lý tới 80 hồ sơ trong một năm". Nông dân Rasaili ở đầu bài viết một trong số nhiều người mà ông đã giúp đỡ. Rasaili cho biết: "Thật an tâm khi có một người như ông ấy ở giữa chúng tôi vì chúng tôi biết rằng mình sẽ nhận được bồi thường".
(còn tiếp)
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/song-chung-voi-voi-o-nepal-1-voi-bi-ep-den-duong-cung-228854.html