Nhóm hàng “hot”
Cổ phiếu cảng biển từng là một trong những nhóm “hot” trên thị trường chứng khoán với hiệu suất ấn tượng. Xét trong 1 năm trở lại đây, nhiều mã cảng biển đạt hiệu suất rất cao như bộ đôi MVN (+341,49%) và PHP (công ty con MVN) - (+108,41%), TOS (+243,11%), HAH (+53,61%)… Cần nhấn mạnh rằng các cổ phiếu này tăng điểm tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán từ giữa năm 2024 đến nay có sự phân hóa rất mạnh.
Theo các chuyên gia, một trong những động lực cho cổ phiếu ngành này đến từ kết quả kinh doanh năm 2024 rất khả quan.
Điển hình là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (mã MVN) với lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 2.604 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện của năm 2023. Đặc biệt, kết quả tích cực của năm 2024 và các năm trước đây đã giúp MVN tại thời điểm cuối năm 2024 ghi nhận lãi sau thuế chưa phân phối đạt 580,6 tỷ đồng, trong khi khoản này đầu kỳ là âm gần 242 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế CTCP Cảng Hải Phòng (mã PHP) cả năm 2024 đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả năm 2023, tương ứng vượt 42,9% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Đây là con số lợi nhuận sau thuế cao nhất của Cảng Hải Phòng kể từ khi có mặt trên thị trường chứng khoán vào năm 2015.
Ngoài ra, nhiều công ty cảng biển khác cũng báo lãi tăng mạnh như CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - mã VSC) với lãi trước thuế 651 tỷ đồng, tăng 145,6% so với năm 2023; CTCP Gemadept (mã GMD) báo lãi 1.905 tỷ đồng, tuy giảm 25% so với cùng kỳ năm trước song vẫn cao vượt trội so với các năm trước đó. CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (mã TOS) với lãi ròng 488,68 tỷ đồng, tăng 143,5%...
Trên thị trường chứng khoán có quy luật “tin ra là bán”. Sau khi các thông tin tích cực được “thẩm thấu”, nhiều cổ phiếu cảng lại rơi vào giai đoạn chìm sâu trong vài phiên trở lại đây.
Chẳng hạn, tính từ phiên 7/2 đến 19/2, mã PHP đã giảm 7/9 phiên, trong đó đáng kể nhất là phiên 17/2 giảm 12,27%, khối lượng giao dịch lên đến hơn 1,4 triệu đơn vị. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại làn sóng “chốt lời” tại mã này sau giai đoạn dài tăng mạnh.
Dù không giảm điểm quá mạnh như PHP, song MVN trong cùng giai đoạn này cũng có những phiên giảm trên 5%. Tính ra, MVN đã giảm tổng cộng gần 5,6%. Trong khi đó, cổ phiếu TOS cũng chững lại khi điều chỉnh trong 2 phiên liên tiếp là 18/2 và 19/2 với mức giảm lần lượt là 3,82% và 1,77%...
Sản lượng hàng qua cảng biển cả nước trong năm 2025 sẽ diễn biến tích cực
Còn dư địa tăng cho cổ phiếu cảng biển?
Số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2024 ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tàu thuyền qua cảng cũng tăng trong năm ngoái với số lần thông qua cảng biển ước đạt 102.670 lượt, tăng trưởng 2%.
Các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng sản lượng hàng qua cảng biển cả nước trong năm 2025 vẫn diễn biến tích cực nhờ việc đầu tư công cho hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển ngày càng được chú trọng.
Ngoài ra, các dự án nâng cấp luồng hàng hải Hà Nam và Cái Mép hoàn thành đã nâng cao năng lực đón tàu của các cảng trong khu vực, thu hút được nhiều đối tác mới hơn. Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch 7 tuyến đường thủy trung ương kết nối Hải Phòng với các địa phương lân cận. Ngoài ra, mới đây Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã chấp thuận chủ trương nạo vét đoạn luồng còn lại của các cảng thượng lưu cảng Nam Đình Vũ.
Mirae Asset dự báo cổ phiếu cảng biển sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong trung và dài hạn do tiềm năng tăng trưởng bền vững về sản lượng và giá cước tăng trưởng ổn định ở mức trung bình 5-10%/năm, đặc biệt sau khi mức giá trần và giá sàn đã được điều chỉnh tăng đáng kể theo Thông tư 39.
Tương tự, chuyên gia phân tích của Chứng khoán ABS cũng cho rằng, xu thế này sẽ tiếp tục trong năm 2025 khi Bộ Công Thương dự báo tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 12%, hỗ trợ sản lượng thông qua cảng tăng trưởng. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI tăng trưởng cũng sẽ là một động lực khác thúc đẩy phát triển ngành cảng biển trong thời gian tới.
Một yếu tố khác hỗ trợ nhóm cảng biển đến từ kỳ vọng mở rộng những siêu cảng biển mới. Đó là bến container số 3 và số 4 khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện do PHP làm chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại để có thể đưa giai đoạn 1 đi vào vận hành từ quý I/2025.
Cũng tại Hải Phòng, GMD đang mở rộng hoạt động đầu tư với cảng Nam Đình Vũ. Giai đoạn 3 của dự án được kỳ vọng đưa vào khai thác cuối năm 2025, sau khi 2 giai đoạn đầu đã lấp đầy công suất, nâng tổng công suất của cụm cảng lên 2 triệu TEU/năm. Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo GMD cũng cho biết công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2A của dự án cảng nước sâu Gemalink đã hoàn tất.
Ngoài ra, vào tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Dự án có diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 6/4/2023 và các văn bản giải trình, do CTCP Cảng Sài Gòn (mã SGN) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) - thành viên hãng tàu hàng đầu thế giới MSC nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với riêng nhóm doanh nghiệp cảng ở Hải Phòng, giới đầu tư có thêm kỳ vọng khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, trong đó có đề cập năm 2025 sẽ hoàn thành các cảng khu vực Lạch Huyện.
Đức Ngọc