Starbucks xem xét bán cổ phần tại Trung Quốc

Starbucks xem xét bán cổ phần tại Trung Quốc
8 giờ trướcBài gốc
7.758 cửa hàng tại Trung Quốc mang về 8% doanh thu hợp nhất cho Starbucks. Ảnh: Reuters.
Starbucks Trung Quốc đang thu hút nhiều đề nghị mua lại cổ phần, với mức định giá có thể lên tới 10 tỷ USD, 3 nguồn tin chia sẻ với CNBC.
Gần 30 quỹ đầu tư tư nhân trong và ngoài Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc mua cổ phần bằng cách gửi đề xuất sơ bộ, nhưng chưa cam kết chắc chắn. Các đề xuất này định giá Starbucks Trung Quốc trong khoảng 5-10 tỷ USD, với mức giá cuối cùng kỳ vọng ở mức cao.
"Miếng bánh ngon" cho các nhà đầu tư?
Starbucks có vốn hóa toàn cầu khoảng 108 tỷ USD, đang tạo ra hơn 8% doanh thu toàn cầu từ Trung Quốc. Theo một nguồn tin, mức định giá hợp lý cho thị trường này vào khoảng 9 tỷ USD.
Công ty đang trong quá trình đánh giá các đề nghị, cấu trúc giao dịch và các kế hoạch gia tăng giá trị sau thương vụ từ phía nhà đầu tư, trước khi rút gọn danh sách đối tác tiềm năng. Bước sàng lọc này có thể hoàn tất trong vòng 2 tháng, tuy nhiên toàn bộ thương vụ khó có thể hoàn thành trước cuối năm nay.
Centurium Capital, cổ đông lớn nhất của Luckin Coffee, cùng Hillhouse Capital, Carlyle Group và KKR & Co của Mỹ nằm trong số các bên đang cạnh tranh trong thương vụ này.
Các nhà quản lý quỹ hiện chịu áp lực lớn trong việc giải ngân nguồn vốn nhàn rỗi, trong bối cảnh hoạt động M&A giảm sút do những khó khăn kinh tế tại Trung Quốc.
“Chốt được một thương vụ và giải ngân được vốn là ưu tiên hàng đầu lúc này”, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành đầu tư tư nhân cho biết.
Trong bối cảnh đó, Starbucks trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư có thể nâng giá đề xuất để giành được thỏa thuận, từ đó đẩy định giá thương vụ lên cao hơn nữa.
Goldman Sachs là đơn vị tư vấn tài chính và đang dẫn dắt quá trình đàm phán, các nguồn tin xác nhận với CNBC. Tuy vậy, Starbucks vẫn có thể hoãn thương vụ nếu các đề nghị không đáp ứng kỳ vọng.
Starbucks không rút khỏi Trung Quốc
Trong tuyên bố gửi đến CNBC, người phát ngôn của Starbucks cho biết công ty có kế hoạch giữ lại “một phần sở hữu đáng kể” tại thị trường Trung Quốc.
Một nguồn tin cho biết Starbucks có thể giữ lại 30% cổ phần, phần còn lại sẽ được phân bổ cho một nhóm nhà đầu tư, mỗi bên nắm dưới 30%.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng kế hoạch bán cổ phần của Starbucks tương tự thương vụ McDonald’s bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc năm 2017.
Khi đó, McDonald’s bán 52% cổ phần hoạt động tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong cho Citic Capital - một doanh nghiệp nhà nước và 28% cho Carlyle, với định giá 2,1 tỷ USD còn công ty mẹ tại Mỹ giữ lại 20%.
Năm 2023, McDonald’s mua lại 28% cổ phần từ Carlyle, nâng sở hữu lên 48%, với định giá thương vụ là 6 tỷ USD.
Một chuyên gia đầu tư tư nhân tại Thượng Hải nhận định Starbucks cũng sẽ muốn giữ lại cổ phần để tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng trong tương lai, cũng như có tiếng nói với các đối tác mới.
Starbucks bán cổ phần nhưng không rút khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
CEO Starbucks, ông Brian Niccol, nói với Financial Times tháng trước rằng công ty nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư.
“Mọi người thấy được giá trị thương hiệu Starbucks. Họ thấy phân khúc cà phê đang tăng trưởng. Họ muốn hợp tác với chúng tôi để tăng số lượng cửa hàng từ 8.000 lên 20.000 điểm”, ông nói.
Tính đến tháng 3 năm nay, Starbucks vận hành 7.758 cửa hàng tại Trung Quốc.
Thách thức
Starbucks tại Trung Quốc hiện đối diện 3 thách thức chính là người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cạnh tranh khốc liệt và áp lực cắt giảm chi phí. Chuỗi cà phê này mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa như Luckin Coffee cùng nhiều thương hiệu trà sữa, trong bối cảnh kinh tế suy yếu ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.
“Người tiêu dùng Trung Quốc không còn sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm ngoại khi có quá nhiều lựa chọn nội địa đủ tốt, thậm chí tốt hơn liên tục xuất hiện”, ông Han Shen Lin, Giám đốc quốc gia Trung Quốc tại The Asia Group nhận định.
Doanh thu tại cùng một cửa hàng (same-store sales) ở Trung Quốc của Starbucks đã giữ nguyên trong quý I năm nay, sau khi giảm liên tiếp trong 4 quý trước đó. Theo dữ liệu từ Euromonitor International, thị phần của hãng tại Trung Quốc đã giảm từ 34% năm 2019 xuống còn 14% trong năm 2024.
Nhằm thu hút lại người tiêu dùng, Starbucks trong tháng 6 đã ra mắt các lựa chọn không đường và lần đầu tiên giảm giá tại Trung Quốc, hạ giá hơn 20 loại đồ uống đá và trà trung bình 5 nhân dân tệ.
Một rủi ro lớn khác đối với các nhà đầu tư là chi phí thuê mặt bằng cao, đặc biệt với các cửa hàng lớn của Starbucks. Khi Starbucks mở rộng tại Trung Quốc từ năm 1999, nhiều trung tâm thương mại tại các thành phố lớn từng sẵn sàng giảm giá thuê để tận dụng lượng khách mà thương hiệu này mang lại.
Tuy nhiên, các báo cáo ngành cho biết ngày càng nhiều chủ trung tâm thương mại cân nhắc giảm các ưu đãi này. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể giáng đòn mạnh vào lợi nhuận của Starbucks.
Starbucks nằm trong số nhiều thương hiệu phương Tây đang đánh giá lại chiến lược tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng việc tìm kiếm đối tác chiến lược đáng tin cậy, am hiểu thị trường địa phương, có thể là hướng đi khả thi để hồi sinh hoạt động kinh doanh thông qua việc đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Diệu Thanh
Nguồn Znews : https://znews.vn/starbucks-xem-xet-ban-co-phan-tai-trung-quoc-post1567329.html