Gia đình anh Bùi Văn Đông, ở xã Đăk Mar, là một trong những hộ tiên phong sản xuất phân bón hữu cơ ở địa phương. Trên diện tích 5ha, nhờ bón phân hữu cơ nên cà phê và chuối của gia đình anh Đông lên xanh mướt và cho trĩu quả.
Cũng tại khu vườn này, khoảng 5 năm trước, gia đình anh Đông thường sử dụng nhiều loại phân bón hóa học khiến đất đai bị bạc màu, nhiễm độc và năng suất vườn cây bị giảm dần. Lúc đó, anh đã từng nghĩ đến chuyện sẽ bán cả vườn cây này vì càng đầu tư thì càng lỗ. Năm 2021, anh Đông học hỏi được quy trình sản xuất phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) từ người quen ở tỉnh Gia Lai. Sau đó, anh mày mò làm thử. Kết quả, loại phân bón này không có bất kỳ mùi hôi nào.
Anh Bùi Văn Đông, ở xã Đăk Mar, tự ủ phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng.
Anh Đông chia sẻ, công thức tạo ra chế phẩm IMO rất đơn giản, đó là sử dụng hỗn hợp các loại rau, củ, quả như chuối, đu đủ, bí đỏ hòa trộn với sữa chua, rỉ mật mía, men rượu và nước sạch, xong ủ trong thùng nhựa lớn từ 1 - 2 tuần. Khi đã tạo ra được chế phẩm IMO gốc, tôi sẽ pha trộn theo tỷ lệ tùy thuộc vào nhu cầu của vườn cây. Thông thường, 1 lít IMO gốc trộn với 40 lít nước rồi bón cho cây trồng. “Sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và không gây ô nhiễm cho môi trường. Đặc biệt, chi phí sử dụng phân hữu cơ chỉ bằng một nửa so với sử dụng phân bón hóa học trước đây, mà năng suất cây trồng lại cao hơn từ 10 - 20%”, anh Đông nhấn mạnh.
Ngoài việc sử dụng phân bón hữu cơ, anh Đông còn để cỏ mọc tự nhiên dưới gốc cây nhằm giữ ẩm và chống xói mòn đất. Khi cỏ mọc cao, anh cắt phần ngọn và để ủ luôn tại chỗ nhằm tạo thành những lớp mùn. Từ đó, chất đất ngày càng được đảm bảo, vườn cây phát triển bền hơn.
Xác định nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, ông Lương Thanh Bình, ở xã Đăk Tô, đã tự nghiên cứu quy trình sản xuất phân bón hữu cơ bằng cách ủ đạm cá để bón cho cây trồng. Ông Bình cho biết, lúc đầu, tôi tự học cách ủ đạm cá thông qua các buổi hội thảo, các lớp tập huấn do các cấp, ngành tổ chức kết hợp tìm hiểu trên Internet. Sau những lần thất bại, tôi dần rút ra kinh nghiệm. Tôi mua phế phẩm các loại cá tươi từ chợ và tiến hành ngâm, ủ với chế phẩm sinh học E.M (có tác dụng thủy phân thịt cá), men tiêu hóa cùng với chuối, đủ đủ... trong 2 thùng nhựa lớn, mỗi thùng có thể tích 200 lít. Khi đã ngâm được 1 tháng, tôi mang đạm cá pha với nước với liều lượng cân đối để bón cho 2ha cây cà phê, sầu riêng.
"
Sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và không gây ô nhiễm cho môi trường. Đặc biệt, chi phí sử dụng phân hữu cơ chỉ bằng một nửa so với sử dụng phân bón hóa học trước đây, mà năng suất cây trồng lại cao hơn từ 10 - 20%”.
Anh BÙI VĂN ĐÔNG, xã Đăk Mar, tỉnh Quảng Ngãi
“Trong phân đạm cá có chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cho cây trồng phát triển tốt, khỏe mạnh; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và làm cho đất tơi xốp, giữ ẩm tốt. Không những vậy, loại phân bón này còn giúp gia đình tiết giảm được chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận. Tính riêng vườn cà phê, mỗi năm gia đình đầu tư khoảng 50 - 60 triệu đồng cho phân bón hóa học. Còn bây giờ, khi sử dụng phân bón hữu cơ, gia đình chỉ tốn khoảng 30 triệu đồng. Nhờ đó, hiệu quả mang lại cao hơn”, ông Bình chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nay, nông dân đang sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan và mất kiểm soát. Chính điều này làm cho đất đai bị thoái hóa, khả năng giữ nước kém, không còn tơi xốp như trước, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và chất lượng nông sản.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của phân bón hóa học đối với sản xuất nông nghiệp, vì giúp tăng năng suất cây trồng. Trước mắt, chưa thể loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học. Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay thì để vừa đảm bảo yếu tố năng suất, lợi nhuận, môi trường, kinh tế và sức khỏe, lại phù hợp với điều kiện của nông dân cần phải cắt giảm lượng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ 1:3 (phân bón hóa học 1 và phân bón hữu cơ 3).
Mỗi năm, khối lượng phụ phẩm trong nông nghiệp và chất thải trong chăn nuôi ở nước ta lên tới hàng trăm triệu tấn. Trong đó, nhiều nhất là thân, cành, lá, vỏ, củ, quả hay phân gia súc, gia cầm. Đây là nguồn nguyên liệu khá dồi dào để nông dân có thể sản xuất phân bón hữu cơ. Qua đó, giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG KỲ