Sự kiên nhẫn bất thường của ông Trump
Một số nhà quan sát phương Tây thậm chí cáo buộc Tổng thống Putin không có ý định thực sự muốn hòa bình mà chỉ đang lợi dụng tình hình. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nói với Axios rằng họ vẫn tin ông Putin sắp đưa ra những bước đi cụ thể nhằm hướng tới một thỏa thuận.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump trao cho ông Putin hầu hết những điều mà Moscow mong muốn: không có lệnh ngừng bắn, không có thêm lệnh trừng phạt, chia rẽ trong nội bộ NATO và sự nhượng bộ từ một Tổng thống Mỹ vốn không nổi tiếng về sự kiên nhẫn.
Ảnh minh họa: Getty
Ông Trump đôi khi cũng thừa nhận rằng Tổng thống Putin có thể đang "dắt mũi tôi" và thậm chí đe dọa áp đặt trừng phạt hoặc các biện pháp thuế quan nếu Moscow tiếp tục cản trở tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump được cho là lại thể hiện sự nhượng bộ chưa từng thấy khi từ chối lời kêu gọi áp đặt trừng phạt, để ngỏ khả năng rút khỏi vai trò trung gian và ca ngợi việc Nga sẵn sàng đưa ra các điều kiện hòa bình như một thắng lợi ngoại giao.
Ông Trump đã đề xuất tổ chức các cuộc hòa đàm tại Vatican. Các quan chức Nhà Trắng cho biết phái đoàn Nga sẽ mang theo một "bản ghi nhớ hòa bình", phác thảo tầm nhìn của Moscow về một lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận rộng hơn nhằm kết thúc xung đột.
Ngày 23/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dù xác nhận Nga đang chuẩn bị tài liệu nói trên nhưng lại phản đối ý tưởng tổ chức cuộc gặp tại Vatican, cho rằng đây không phải là địa điểm phù hợp cho 2 quốc gia theo Chính thống giáo.
Hiện tại, các quan chức Ukraine cho biết họ chưa nhận được thông tin về thời gian hay địa điểm của vòng đàm phán tiếp theo sau cuộc gặp đầu tiên được tổ chức cách đây hơn 1 tuần tại Istanbul.
Trong khi đó, Nga đã tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa lớn nhất từ trước đến nay vào thủ đô Kiev, khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lên tiếng cho rằng điều đó chứng minh ông Putin đang kéo dài xung đột và cần phải áp đặt thêm trừng phạt ngay lập tức.
Thay vì thể hiện vai trò lãnh đạo như từng cam kết, ông Trump bóng gió rằng ông có thể sẽ rút lui hoàn toàn và để các nước châu Âu, hoặc thậm chí là vị giáo hoàng mới, đứng ra đảm nhận vai trò trung gian đàm phán. Chính quyền của ông hiện vẫn chưa cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự hay tài chính bổ sung cho Ukraine. Dù vậy, theo nhiều quan chức giấu tên, thời điểm hiện nay có thể là cơ hội thuận lợi nhất để gây sức ép lên Moscow kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Trong các phát biểu công khai sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump không đề cập đến các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay viện trợ cho Ukraine. Theo một nguồn tin am hiểu các cuộc trao đổi, khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Trump cho biết nhà lãnh đạo Nga dường như không có ý định chấm dứt cuộc xung đột mà ông tin rằng đang diễn ra theo hướng có lợi cho mình.
Ngoại trưởng Marco Rubio, trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 20/5 đã bảo vệ việc chính quyền ông Trump không có hành động cụ thể nào. Ông cho biết Kiev “vẫn đang nhận được vũ khí và hàng viện trợ từ chúng tôi và các đồng minh”, mặc dù chính quyền chưa có ý định phê duyệt bất kỳ khoản ngân sách mới nào hoặc rút ra từ kho dự trữ của Mỹ để hỗ trợ.
“Liên minh châu Âu sắp áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt,” ông Rubio nói, trong khi Mỹ đang “tìm kiếm thêm” các hệ thống phòng không Patriot hiếm hoi từ các đồng minh NATO để chuyển giao cho Ukraine.
Ông Rubio bác bỏ nhận định của một thượng nghị sĩ rằng ông Putin đang “lợi dụng” ông Trump và khẳng định tất cả các lệnh trừng phạt từ thời chính quyền cựu Tổng thống Biden vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Tổng thống tin rằng, vào thời điểm này, nếu đe dọa trừng phạt, Nga sẽ ngừng đối thoại. Việc chúng ta có thể duy trì kênh đối thoại với họ để thúc đẩy họ ngồi vào bàn đàm phán có giá trị".
Lựa chọn giữa áp lực và kiên nhẫn
Có một sự chia rẽ rõ rệt giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc lựa chọn giữa áp lực và kiên nhẫn với Tổng thống Putin.
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào tuần trước sau khi ông Putin tiếp tục bác bỏ đề xuất ngừng bắn của ông Trump. Họ kỳ vọng Mỹ sẽ đồng thuận, nhưng ông Trump đã từ chối.
Sự nhượng bộ của ông Trump trước Tổng thống Putin sau cuộc điện đàm khiến các nhà lãnh đạo đồng minh cảm thấy khó hiểu trong cuộc họp trực tuyến sau đó với ông.
Theo các nhà quan sát, trong khi Moscow tiếp tục trì hoãn tiến trình hòa bình mà ông Trump từng tuyên bố sẽ “giải quyết trong vòng 24 giờ", Tổng thống Mỹ dường như đang nghiêng về việc buông bỏ hơn là cứng rắn với ông Putin.
Để gây sức ép buộc Tổng thống Zelensky ngồi vào bàn đàm phán, ông Trump đã chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine tại Phòng Bầu dục và tạm thời đóng băng việc chia sẻ thông tin tình báo cũng như viện trợ vũ khí.
Trong khi đó, đối với Putin, ông lại sử dụng “củ cà rốt” - cụ thể là lời hứa nới lỏng trừng phạt và cải thiện quan hệ kinh tế nhưng hầu như không có “cây gậy” nào đi kèm.
“Tôi nghĩ ông Putin đang dắt mũi chúng ta", bà Bridget Brink, người mới từ chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine để phản đối chính sách “nhân nhượng” của ông Trump, phát biểu với CNN hôm 22/5.
“Đây là lý do vì sao chúng ta cần cùng với các đối tác và đồng minh châu Âu gọi đúng tên sự việc và gia tăng áp lực lên Nga", cựu Đại sứ Mỹ cho hay.
Nhà Trắng cho rằng chính sách ngoại giao của ông Trump với ông Putin đã khiến nhà lãnh đạo Nga phải đưa ra “bản ghi nhớ hòa bình" - điều mà trước đó ông chưa sẵn sàng thực hiện.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần lập luận rằng dù có thể “dễ dàng hơn về mặt chính trị” nếu cứng rắn với ông Putin nhưng duy trì quan hệ hữu nghị sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Bước đi tiếp theo
Tạm thời, ông Trump có vẻ vẫn đang chờ ông Putin thực hiện bước đi tiếp theo.
Cho đến nay, ông Putin đã phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn 30 ngày của ông Trump và chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến vòng đàm phán tại Istanbul, nơi ông Trump đã cử Ngoại trưởng Rubio đại diện cho mình.
Vào 21/5, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Connecticut Richard Blumenthal đã cùng giới thiệu dự luật với sự đồng bảo trợ của 81 thượng nghị sĩ khác, đặt nghi vấn về giá trị thực chất của các cuộc đàm phán và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt sơ cấp và thứ cấp đối với Nga nếu nước này không tham gia đàm phán thiện chí với Ukraine. Theo một nguồn tin thân cận, ông Graham - một đồng minh trung thành của ông Trump đã duy trì liên lạc chặt chẽ và liên tục với Nhà Trắng về vấn đề này.
Dự luật bao gồm việc áp thuế nhập khẩu 500% đối với hàng hóa từ các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga. Trong tuyên bố của mình, ông Graham lưu ý rằng ông Rubio cho biết trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, Moscow đã đồng ý sẽ trình bày các điều kiện cho một lệnh ngừng bắn trong vài ngày tới.
“Nếu đó lại là những luận điệu cũ, Nga có thể sẽ thấy hành động quyết đoán từ Thượng viện Mỹ", ông Graham nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/5 cho biết các điều kiện đàm phán của Moscow sẽ dựa trên “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột. Ông Lavrov khẳng định rằng một thỏa thuận hòa bình thực sự chỉ có thể được đàm phán và ký kết bởi một chính quyền Ukraine “hợp pháp” mới được bầu ra.
“Moscow tin rằng thời gian đang đứng về phía mình, trong khi các nguồn lực của Ukraine đang tiêu hao nhanh hơn Nga", một quan chức cấp cao châu Âu nhận định.
Kiều Anh/VOV.VN Theo: Axios, Washington Post