Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng
Đồng tình với việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thống nhất cao với quan điểm, phân cấp là giao việc phải đi đôi với trao quyền cho người thực hiện việc đó.
Luật không quy định chi tiết, chỉ quy định vấn đề theo nguyên tắc mang tính yêu cầu trong trao quyền cho địa phương. Còn làm như thế nào là do địa phương quyết định.
Việc sửa đổi luật sẽ tránh được tồn tại hiện nay là khi các địa phương triển khai nhiệm vụ thấy không phù hợp lại phải có văn bản hỏi cấp trên (chính phủ, bộ, ngành) sau đó cấp trên có văn bản trả lời, mất rất nhiều thời gian…
Cùng với đó, đại biểu đề xuất, để tránh lạm quyền, Chính phủ phải quy định về phương thức giám sát, kiểm tra. Giao quyền cho người thực hiện đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình, khi đó người thực thi phát huy năng lực, sáng tạo.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) nêu, quản lý hiện nay không nên nặng nề về trình tự thủ tục, chỉ nên đặt mục tiêu.
“Mục tiêu không thay đổi, quan điểm không thay đổi, nguyên tắc không thay đổi, chỉ khác phương pháp thực hiện. Phương pháp chính là để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, khuyến khích sáng tạo, đổi mới, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển, trí tuệ nhân tạo phát triển…”, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng
Liên quan đến quy định về phân cấp, phân quyền, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị, xác định rõ cơ chế để phân cấp, ủy quyền, với mục tiêu là tăng tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Ngọc cũng đề nghị để bảo đảm thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo rà soát kỹ nội dung, điều kiện về phân cấp, đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện.
Với góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Đoàn Yên Bái) đã cung cấp thêm thông tin và giải trình một số nội dung có liên quan với các đại biểu thảo luận tại tổ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hai dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, lớn nhất là điểm mới trong tư duy xây dựng dự án luật.
Đó là luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vấn đề cơ bản, tạo điều kiện đảm bảo được sự ổn định và giá trị bền vững của dự án luật; cùng với đó, đảm bảo linh hoạt trong điều hành thực tiễn của hệ thống hành chính nhà nước.
Điểm mới thứ hai là phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, với tư cách Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề cốt lõi của hai luật này. Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rất rạch ròi trong việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, nhiệm vụ quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong dự án luật cũng đưa ra những vấn đề mang tính khái quát, không quá cụ thể.
Đại biểu Lê Thành Long (Đoàn Kiên Giang). Ảnh: Phạm Thắng
Nhấn mạnh điểm mới nổi bật của dự thảo Luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (Đoàn Kiên Giang) cho biết, điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này được thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật này.
Tương tự, tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng có nội dung giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với quy định tại Luật này.
Châu Anh