Cảng lớn nhất Iran phát nổ: Dầu mỏ, thương mại thế giới đứng trước nguy cơ hỗn loạn. Khói bốc lên tại hiện trường vụ nổ ở cảng Shahid Rajaee, tỉnh Hormozgan, Iran ngày 26/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo National (UAE) ngày 28/4, vụ nổ kinh hoàng tại cảng Shahid Rajaee ở Bandar Abbas, miền Nam Iran mới đây không chỉ gây ra thiệt hại về người và của mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy sâu rộng đối với nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của quốc gia này và thị trường dầu mỏ toàn cầu. Sự cố xảy ra tại một trong những tuyến đường vận chuyển và thương mại huyết mạch, ngay cửa ngõ eo biển Hormuz, nơi "yết hầu" của 20% lượng dầu thô thế giới lưu thông.
Ngọn lửa bùng cháy dữ dội sau vụ nổ tại cảng thương mại lớn nhất Iran, Bandar Abbas, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và làm hàng trăm người khác bị thương. Cảng Shahid Rajaee không chỉ là cảng lớn nhất mà còn là một tài sản chiến lược quan trọng của Iran. Thống kê năm 2024 cho thấy, cảng này đảm nhiệm tới 85% lưu lượng container vận chuyển của cả Iran. Vị trí chiến lược bên bờ Bắc eo biển Hormuz càng làm tăng thêm tầm quan trọng của nó đối với thương mại quốc tế.
Mặc dù Công ty Phân phối Sản phẩm Dầu mỏ Quốc gia Iran khẳng định vụ nổ "không liên quan" đến các cơ sở dầu khí của họ tại Bandar Abbas và hoạt động vẫn diễn ra bình thường, giới phân tích vẫn lo ngại về những tác động tiềm ẩn. Bandar Abbas, thủ phủ của tỉnh Hormozgan, vốn là thành phố cảng chính và đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu của Iran.
Ông Alex Vatanka, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, D.C., nhấn mạnh: “Cảng Shahid Rajaee là trung tâm hàng hải lớn nhất và quan trọng nhất của Iran, thường được gọi là 'Cổng vàng' của thương mại Iran. Cảng kết nối với 80 cảng quốc tế lớn thông qua 35 hãng vận tải container hàng đầu”. Với diện tích 2.400 ha, trung tâm vận chuyển container này xử lý 70 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, bao gồm cả dầu mỏ. Cảng sở hữu gần 500.000 mét vuông kho bãi và 35 bến tàu, với công suất vận chuyển lên tới 100 triệu tấn hàng hóa và 6 triệu container TEU mỗi năm, quản lý khoảng 55% tổng hoạt động vận chuyển hàng hóa của Iran.
Tầm quan trọng sống còn của cảng Shahid Rajaee đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây ra những hệ lụy kinh tế và an ninh sâu rộng cho Iran và các tuyến thương mại khu vực. Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Iran đang oằn mình dưới áp lực của chiến dịch "gây sức ép tối đa" từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua các vòng trừng phạt liên tiếp nhằm vào doanh thu của nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ gần như đi ngang ở mức 0,3% vào năm 2025, giảm mạnh so với mức 3,5% của năm 2024.
Nhà phân tích độc lập về hàng hải, năng lượng và an ninh, ông Dean Mikkelsen, nhận định: “Vụ nổ tại Cảng Shahid Rajaee ở Bandar Abbas – cảng thương mại lớn nhất của Iran – sẽ có tác động ngay lập tức và nghiêm trọng đến nền kinh tế Iran. Việc đóng cửa cảng này làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa, làm sâu sắc thêm tình trạng cô lập kinh tế của Iran vào thời điểm nước này đang chịu áp lực trừng phạt đáng kể”.
Đáng chú ý, vụ nổ xảy ra vào thời điểm Mỹ vừa áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Ông Mikkelsen chỉ ra: “Điều quan trọng là cảng này cũng hỗ trợ cơ sở hạ tầng liên quan đến xuất khẩu dầu của Iran, bao gồm các hoạt động liên quan đến 'hạm đội tàu bí mật' của Iran - một mạng lưới tàu thuyền bí mật xuất khẩu dầu thô của Iran bằng cách vô hiệu hóa hệ thống AIS và thực hiện chuyển giao từ tàu này sang tàu khác”. Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ mang lại cho chính phủ Iran doanh thu ước tính từ 50 đến 55 tỷ USD mỗi năm, nguồn lực quan trọng để tài trợ cho các dịch vụ công thiết yếu và ổn định nền kinh tế.
“Bất kỳ sự gián đoạn nào, thậm chí là tạm thời, đều đe dọa sự ổn định tài chính của Iran. Một sự đóng cửa kéo dài sẽ buộc Iran phải định tuyến lại hoạt động thương mại thông qua các cảng nhỏ hơn, kém hiệu quả hơn, làm tăng chi phí và có nguy cơ gây ra thêm tình trạng tắc nghẽn”, ông Mikkelsen cảnh báo. Iran hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng khai thác khoảng 3,3 triệu thùng mỗi ngày (bpd), tương đương khoảng 3% sản lượng toàn cầu.
Mặc dù eo biển Hormuz vẫn thông suốt sau vụ nổ, các nhà phân tích cho rằng sự cố này làm gia tăng rủi ro cho hoạt động vận chuyển trong khu vực. Ông Mikkelsen dự đoán: “Sự cố này có khả năng làm tăng phí bảo hiểm và buộc một số tàu phải chuyển hướng đến các cảng an toàn hơn ở UAE hoặc Saudi Arabia, làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển”. Hơn nữa, ông lo ngại về tác động lan rộng ra chuỗi cung ứng toàn cầu: “Mặc dù tác động tức thời có thể được hạn chế ở cấp độ khu vực, nhưng tác động rộng hơn là chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt, với sự chậm trễ và chi phí tăng cao lan rộng khắp các ngành công nghiệp”.
Sự kiện này diễn ra vào thời điểm thương mại toàn cầu vốn đã được dự đoán sẽ chậm lại do các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump. “Sự gián đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới”, ông Mikkelsen lưu ý. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tháng này cũng đã cảnh báo về những trở ngại đối với thương mại toàn cầu do việc tăng thuế quan và sự gia tăng bất ổn về chính sách thương mại, dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% vào năm 2025.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn do thuế quan, sự gián đoạn thêm đối với các tuyến vận chuyển quan trọng gần eo biển Hormuz và Biển Đỏ có nguy cơ đẩy chi phí vận tải và năng lượng lên cao hơn. “Nếu các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vận chuyển và nhiên liệu tăng cao, những chi phí đó có khả năng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, làm gia tăng áp lực lạm phát ban đầu do thuế quan gây ra. Vụ nổ cảng làm trầm trọng thêm các lỗ hổng hiện có bằng cách làm tăng nguy cơ lạm phát kéo dài và bất ổn chuỗi cung ứng”, chuyên gia Mikkelsen phân tích.
Đáng chú ý, vụ nổ xảy ra trùng thời điểm phái đoàn Iran và Mỹ gặp nhau tại Oman để đàm phán cấp cao về chương trình hạt nhân của Tehran, với những tín hiệu về tiến triển. Trong khi chính quyền Iran hiện tại vẫn coi vụ nổ là một tai nạn, sự việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều năm căng thẳng âm ỉ với Israel. Ông Mahdi Ghodsi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna (Áo), nhận định: “Ý nghĩa của sự cố này và tổn thất về người là rất lớn. Bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến nguyên nhân ban đầu của nó đều rất quan trọng vào thời điểm nhạy cảm này, trùng khớp với vòng đàm phán thứ ba của Iran với Mỹ”.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc