Tái định vị ngành trái cây Việt, đã đến lúc nghĩ lớn, làm khác

Tái định vị ngành trái cây Việt, đã đến lúc nghĩ lớn, làm khác
12 phút trướcBài gốc
Chưa thành sức mạnh quốc gia
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên, thành tích này lại chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc, vốn chiếm hơn 90% lượng tiêu thụ sầu riêng Việt Nam.
Sau giai đoạn tăng tốc với những con số tăng trưởng ấn tượng từ thanh long, nay sầu riêng cũng có dấu hiệu chững lại
Khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, và các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines gia tăng cạnh tranh, vị thế sầu riêng Việt Nam trở nên mong manh.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa có hệ thống kiểm soát chất lượng và hỗ trợ nông dân đủ mạnh như Thái Lan.
Tình trạng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào đang khiến nguy cơ dư cung và mất kiểm soát truy xuất nguồn gốc ngày càng hiện hữu.
Bài học từ thanh long là một lời cảnh tỉnh rõ ràng. Loại quả này từng đạt hơn 1 tỷ USD nhưng nay chỉ còn 534 triệu USD.
"Vấn đề này chúng tôi đã gợi ý từ nhiều năm trước, chứ không phải gặp đợt dịch bệnh hay hàng Việt bị vướng hàng rào kỹ thuật với trái cây… Tôi đã nhận định giá trị sầu riêng sẽ càng thấp khi diện tích ngày càng tăng. Trong hai ba năm tới chúng ta sẽ thấy giá trị sầu riêng sẽ giảm mạnh, mà bài học cho nông sản Việt Nam đó là sự sa sút của trái thanh long chẳng hạn" - ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ thêm.
Chuối nhiều tiềm năng nhưng khó lên top tỷ đô khi đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia trong khu vực
Trong khi sầu riêng và thanh long đối mặt thách thức, các loại trái cây khác như chuối (380 triệu USD), dừa (1,1 tỷ USD), chanh leo (172 triệu USD) hay dứa vẫn đang trong giai đoạn tiềm năng, nhưng chưa thực sự vượt ngưỡng phát triển bền vững.
Điển hình là ngành chuối. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, Việt Nam hiện đứng thứ 9 thế giới về sản lượng chuối, đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Dù vậy, ngành chuối vẫn đang gặp khó khăn do chuỗi sản xuất thiếu đồng bộ, việc kiểm soát dịch bệnh chưa hiệu quả, và quy trình canh tác chưa được chuẩn hóa.
Đặc biệt, Trung Quốc hiện chiếm 70% thị phần xuất khẩu chuối Việt Nam. Nếu không sớm mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông và cải thiện logistics, ngành chuối sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro lớn.
“Nên chăng chúng ta xây dựng quy trình chuẩn cho từng doanh nghiệp và tiến tới quy trình quốc gia… Thực tế những công ty lớn đã có quy trình, nhưng một số doanh nghiệp nhỏ lại thu mua tại nhiều nguồn khác nhau, khu vực khác nhau, nhiều nơi không có quy trình canh tác. Chính vì vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong xuất khẩu khi quy trình kiểm soát không đồng nhất. Đây là vấn đề dễ tổn hại đến thương hiệu của trái cây Việt Nam” - Ông Võ Quan Huy kiến nghị.
Không chỉ là quy mô, mà là tư duy hệ sinh thái
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nafood: "Nếu chỉ xuất khẩu trái cây tươi, Việt Nam sẽ mãi bị phụ thuộc vào thời vụ và điều kiện bảo quản. Con đường nâng cao giá trị nằm ở chế biến sâu và kiểm soát chất lượng đầu vào bài bản".
Việt Nam đa dạng cây trồng những dễ bị tranh chấp nguồn gốc khi xuất khẩu
Để hiện thực hóa điều này, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục giữ vai trò định hướng và hỗ trợ mở cửa thị trường. Đồng thời, cần đầu tư phát triển giống cây trồng, vùng nguyên liệu ổn định, hệ thống truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn hóa quy trình canh tác.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng cam kết liên kết chặt chẽ với nông dân, chia sẻ lợi ích và thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
Ông Hùng nhận định, chuyển từ “xuất khẩu thô” sang “kinh tế nông nghiệp số hóa, tuần hoàn” là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đồng lòng của nông dân trong việc thực hiện đúng quy trình, tuân thủ hợp đồng, giảm thiểu rủi ro tồn dư hóa chất và gia tăng giá trị thông qua việc tận dụng phụ phẩm.
“Muốn có hiệu quả, người nông dân quyết định chất lượng sản phẩm ban đầu. Nông dân muốn có giá tốt thì phải triển khai nông nghiệp tuần hoàn, những phế phẩm cũng phải tận dụng được. Giá trị gia tăng cao thì doanh nghiệp chia sẻ lợi ích đó với người nông dân. Tôi nghĩ rằng việc phát triển nền nông nghiệp xanh, số hóa và tuần hoàn thì không chỉ là mục đích của doanh nghiệp, mà chính người nông dân sẽ hưởng lợi” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bài học từ thanh long nhìn lại từ gốc rễ, gần 10 năm qua từ quy trình trồng trọt, logistics, tiêu chuẩn, đến thương hiệu còn nhiều việc cần làm
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chỉ ra điểm nghẽn lớn của ngành là sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân.
Hiện nay, phần lớn hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, và thiếu năng lực trong khâu thu mua, sơ chế, bảo quản.
Hơn nữa, nếu không xây dựng được một chuỗi giá trị gắn kết, việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó khăn.
Theo ông Hải, cần thúc đẩy quá trình sáp nhập các hợp tác xã, đồng thời nâng cấp năng lực hoạt động và chuyên nghiệp hóa vai trò trung gian của họ. Từ đó, các doanh nghiệp nên liên kết trực tiếp với các hợp tác xã thay vì từng hộ nông dân riêng lẻ để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.
“Để làm được phần việc liên kết theo chuỗi, các hợp tác xã phải thực hiện sáp nhập, với quy mô lớn. Phải thay đổi để đủ năng lực phục vụ cho doanh nghiệp. Thay vì người nông dân thì doanh nghiệp nên lấy hợp tác xã để làm nền tảng để xây dựng vùng nguyên liệu cho mình” - Tiến sĩ Trần Minh Hải khẳng định.
Ngành trái cây Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, để thực sự vươn tầm thế giới, chúng ta không thể chỉ “vui mừng với những con số”. Một ngành hàng tỷ đô la như trái cây cần một tư duy mới về nền kinh tế, nơi mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị đều được nâng cấp và liên kết chặt chẽ.
Tái định vị ngành trái cây không chỉ đơn thuần là điều chỉnh chiến thuật. Đó là một hành trình toàn diện, đòi hỏi nhìn lại toàn bộ hệ sinh thái: từ giống cây, quy trình canh tác, tiêu chuẩn hóa chất lượng, cho đến logistics và xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc trái cây nếu có tư duy xứng tầm và hành động nhất quán, bài bản.
Chiến lược 5 trụ cột cho ngành trái cây Việt Nam
Để tái định vị ngành trái cây xuất khẩu, Việt Nam cần một chiến lược dài hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân, tập trung vào 5 trụ cột:
Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sức khỏe người tiêu dùng, kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sinh học hóa trong canh tác.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, đồng thời đáp ứng linh hoạt các yêu cầu khác nhau từ các quốc gia.
Tuân thủ bản quyền giống cây trồng, tránh tình trạng trồng tràn lan các giống chưa được cấp phép, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng thị trường và thương hiệu.
Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân, minh bạch về lợi ích, trách nhiệm và chất lượng đầu ra.
Nâng cao năng lực hợp tác xã, từ vai trò đại diện nông dân trở thành đơn vị trung gian mạnh về kỹ thuật, thu mua và logistics cho toàn chuỗi - Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ.
Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tai-dinh-vi-nganh-trai-cay-viet-da-den-luc-nghi-lon-lam-khac-post1217213.vov