Tại sao giới trẻ Nhật Bản rộ trào lưu 'lặng lẽ' bỏ việc?

Tại sao giới trẻ Nhật Bản rộ trào lưu 'lặng lẽ' bỏ việc?
9 giờ trướcBài gốc
Thế hệ Z Nhật Bản ngày càng coi trọng hạnh phúc quan trọng hơn sự nghiệp. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức ngày 25/5, trong một quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt và lòng trung thành tuyệt đối với công ty, một xu hướng mới đang nổi lên trong giới trẻ Nhật Bản: "bỏ việc lặng lẽ". Khác xa với thế hệ cha mẹ, những người trẻ ngoài 20 tuổi ngày càng ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và mức lương cao hơn để đạt được điều đó.
Thuật ngữ "bỏ việc lặng lẽ" (quiet quitting) ban đầu xuất hiện ở Mỹ vào năm 2022, mô tả những người chỉ làm việc ở mức tối thiểu, không gắn bó với công việc. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, khái niệm này mang một sắc thái riêng: những người lao động đến công ty đúng giờ và rời đi sớm nhất có thể, không tìm kiếm lời khen, sự thăng chức hay tiền thưởng gắn liền với hiệu suất.
Theo một nghiên cứu của Mynavi Career Research Lab thực hiện trên 3.000 công nhân từ 20 đến 59 tuổi, khoảng 45% cho biết họ chỉ làm những công việc tối thiểu, và đáng chú ý là nhân viên ở độ tuổi 20 có nhiều khả năng thừa nhận mình là "những người bỏ việc thầm lặng" nhất.
Tìm kiếm "thời gian cho bản thân"
Lý do chính đằng sau sự thay đổi này là mong muốn có thêm "thời gian cho bản thân". Issei, 26 tuổi, chia sẻ: "Tôi không ghét công việc của mình... nhưng tôi thích gặp gỡ bạn bè, đi du lịch hoặc nghe nhạc sống hơn". Anh nhận thấy thế hệ ông bà và cha mẹ mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, nhưng anh không muốn đi theo lối mòn đó. Nghiên cứu của Mynavi cũng khẳng định đây là động lực chính của những người "bỏ việc lặng lẽ".
Bên cạnh đó, một số người cho rằng khối lượng công sức họ bỏ ra đã tương xứng với mức lương nhận được, và họ hài lòng với mức độ đóng góp hiện tại. Một bộ phận khác cảm thấy đóng góp của mình không được đánh giá cao, hoặc không có hứng thú thăng tiến trong sự nghiệp.
Sumie Kawakami, Giảng viên khoa học xã hội tại Đại học Yamanashi Gakuin, lý giải: "Nhiều người trẻ đã chứng kiến cha mẹ họ hy sinh cuộc sống cho công ty, làm thêm giờ rất nhiều và từ bỏ cuộc sống riêng tư. Họ đã nhận ra rằng đó không phải là điều họ muốn".
Bà Kawakami cũng chỉ ra rằng, trong quá khứ, các công ty Nhật Bản thường trả lương hậu hĩnh và cung cấp phúc lợi tốt để giữ chân nhân viên. Tuy nhiên, hiện tại, các công ty đang cắt giảm chi phí, hợp đồng không còn hấp dẫn và tiền thưởng cũng không còn hào phóng như trước.
Thay đổi thái độ và hy vọng về tương lai
Thái độ làm việc cũng thay đổi đáng kể do những hạn chế của Đại dịch COVID-19, khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về các ưu tiên trong cuộc sống. Giáo sư Izumi Tsuji từ Đại học Chuo nhận định có sự thay đổi lớn trong thái độ đối với công việc giữa thế hệ trẻ và thế hệ 50 tuổi.
Ông Tsuji nói: "Trước đây, người lao động cực kỳ trung thành với người sử dụng lao động, làm việc nhiều giờ, làm thêm giờ không công và không muốn chuyển công ty. Đổi lại, họ và gia đình họ được chu cấp cho đến khi nghỉ hưu". Ngày nay, những người trẻ muốn "tập trung vào sở thích của mình, được tự do hơn và cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống".
Giáo sư Tsuji xem sự thay đổi này là một điều đáng mừng. Ông cho rằng việc người lao động có nhiều thời gian rảnh hơn có thể giúp nền kinh tế khi họ chi tiêu nhiều hơn, hoặc quan trọng hơn, họ có thể có gia đình, điều này rất cần thiết trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang giảm dần.
Một lý do sâu xa khác khiến "bỏ việc lặng lẽ" trở thành một xu hướng tích cực là vấn đề karoshi, hay "chết do làm việc quá sức". Bà Kawakami cho biết: "Tôi hoan nghênh sự thay đổi này vì những thế hệ công nhân lớn tuổi hơn sẽ cống hiến 150% cho công ty của họ nhưng cái giá họ phải trả là 'karoshi'". Năm 1998, Nhật Bản ghi nhận 32.863 vụ tự tử, nhiều vụ liên quan đến giờ làm việc quá dài và áp lực. Con số này đã giảm dần và năm 2024, khoảng 20.320 người tự tử, mức thấp thứ hai kể từ năm 1978.
Sự thay đổi trong suy nghĩ của thế hệ Z Nhật Bản không chỉ là một hiện tượng đơn thuần mà còn là dấu hiệu của một xã hội đang dần nhận ra giá trị của cuộc sống cá nhân, thoát khỏi gánh nặng của áp lực công việc truyền thống.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/tai-sao-gioi-tre-nhat-ban-ro-trao-luu-lang-le-bo-viec-20250525181213184.htm