Lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm tâm lý học ứng dụng Bình Minh (huyện Lý Nhân).
Đến một số trường chuyên biệt, trung tâm can thiệp sớm trên địa bàn tỉnh, được gặp gỡ, trò chuyện với giáo viên dạy trẻ “đặc biệt”, tôi đã hiểu hơn về công việc chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách; chia sẻ những tâm huyết, mong ước, hạnh phúc vỡ òa khi các con tiến bộ, thay đổi tích cực từng ngày trong học tập, vui chơi như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Trong mỗi trường, trung tâm thường duy trì khoảng 30 - 70 trẻ theo học, mỗi đứa trẻ lại một tính cách khác nhau, với một thế giới đầy bí ẩn không phải ai cũng hiểu hết. Nhưng khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong nghề, các cô giáo ở trung tâm đều cười thay cho câu trả lời. Cười vì không biết kể sao cho hết. Cười vì những tình huống mà không một giáo án nào có thể lường trước được. Cười vì công việc đã quen thuộc và đó là cả tấm lòng mà các cô dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh “đặc biệt”.
Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển còn khó khăn gấp ngàn lần. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Huệ (chuyên viên Trung tâm tâm lý học ứng dụng Bình Minh, huyện Lý Nhân, có gần 10 năm gắn bó với nghề) chị cho biết, đã không ít lần gặp tình huống dở khóc, dở cười: “Có những bạn khi mới tham gia lớp học, không quen với môi trường, quấy khóc, phải bế ẵm cả tuần, thường xuyên la hét, nôn trớ,... hay có bạn không thích cánh quạt quay, bóng đèn sáng, không thích ô kẻ vuông dưới nền nhà,... Khi đó, phải thật bình tĩnh gần gũi với trẻ, chơi cùng trẻ, hiểu được trẻ muốn gì và không muốn gì để tìm ra phương án can thiệp phù hợp nhất”.
Do đặc thù mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau đòi hỏi các giáo viên phải nắm rõ tình hình của từng bạn, dùng những phương pháp riêng biệt để trẻ có thể đạt tiến bộ nhanh nhất. Tất cả phụ thuộc vào độ nhạy bén, linh hoạt của người dạy. Chia sẻ về công việc của mình, chị Vũ Thị Dệt (hơn 15 năm gắn bó với nghề, giáo viên Trường Mầm non chuyên biệt Ánh Dương, thành phố Phủ Lý) cho biết: “Phương pháp được sử dụng chủ yếu cho trẻ đó là phân tích hành vi ứng dụng (ABA) để can thiệp điều trị hành vi của trẻ. Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao với từng đối tượng trẻ, người dạy có phương án, can thiệp, giáo dục khác nhau cho từng bạn, sẵn sàng linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ giúp bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và cùng với trẻ chơi, học những kỹ năng xã hội hằng ngày”.
Lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm tâm lý học ứng dụng Bình Minh (huyện Lý Nhân).
Điểm khó khăn nhất trong dạy trẻ tự kỷ là những vấn đề liên quan đến hành vi, đặc biệt là trẻ lớn tuổi, khi đến can thiệp đã quá “giai đoạn vàng”. Trong khi đó, cơ thể trẻ phát triển nhanh theo thời gian nhưng trí tuệ lại không có sự phát triển tương ứng nên việc giáo dục, hỗ trợ can thiệp của giáo viên gặp nhiều áp lực. Có những trẻ thường xuyên tự đánh mình, phản kháng dữ dội với người xung quanh. Giáo dục trẻ tự kỷ đúng cách, đúng giai đoạn, đúng phương pháp là điều có thể cải thiện khiếm khuyết, hòa đồng cùng bạn bè cùng trang lứa. Ở một số trẻ, dù không thể khỏi hoàn toàn nhưng việc can thiệp giáo dục từ giai đoạn sớm sẽ tăng khả năng tự lập để trẻ có thể tự chăm sóc bản thân ở tương lai. Do vậy, đòi hỏi rất lớn sự đồng cảm, tình thương, tính kiên trì và không ngừng học hỏi của người làm nghề giáo dục chuyên biệt.
Ngoài chịu áp lực từ những học sinh chậm tiến bộ, giáo viên cũng phải chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh học sinh khi theo đuổi nghề này. Chị Lê Thị Hồng (giáo viên nhóm trẻ chuyên biệt, Trường mầm non tư thục Sao Mai, huyện Bình Lục) tâm sự: “Đối với nhiều gia đình, do chủ quan, chưa có nhận thức đúng đắn về những triệu chứng của con mình. Thậm chí, xấu hổ, không dám đối diện với các biểu hiện của trẻ nên không can thiệp điều trị sớm. Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn bố mẹ đi làm xa, nên phó mặc toàn bộ trách nhiệm, không có sự phối hợp từ phía gia đình, khiến các giáo viên gặp cản trở trong quá trình dạy trẻ. Vì vậy, các giáo viên chúng tôi luôn mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của mình cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, xã hội. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, phối hợp nhịp nhàng cùng thầy, cô giáo để có phương pháp can thiệp sớm giúp trẻ tiến bộ, sớm tìm lại nụ cười, hòa nhập cùng cộng đồng.
Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy khó khăn, thử thách. Chỉ cần một hành động đơn giản như hôm nay trẻ đã nhận biết được màu sắc, cầm nắm, vẫy tay chào, một tiếng “ạ” mỗi khi bố mẹ tới đón… đã là động lực lớn lao để các thầy, cô giáo thêm yên tâm gắn bó với nghề. Với họ, dù tâm huyết với các con vô cùng nhưng không hề mong muốn trẻ ở lại mãi, chỉ ước trẻ sớm “tốt nghiệp” hòa nhập, vui chơi giống như bao bạn bè đồng trang lứa.
Trần Giang