Tầm soát bệnh lao bằng AI: Điển hình CĐS thành công ngành y tế TP.HCM

Tầm soát bệnh lao bằng AI: Điển hình CĐS thành công ngành y tế TP.HCM
8 giờ trướcBài gốc
Việc kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và máy X-quang đã giúp cho hoạt động sàng lọc bệnh nhân lao được chính xác và nhanh chóng hơn, từ đó góp phần giảm bớt gánh nặng thời gian, chi phí điều trị với bệnh nhân, tiết kiệm nguồn lực cho ngành y. Đó là một trong những thành tựu trong chuyển đổi số y tế tại TP.HCM thời gian qua.
Những con số biết nói
Năm 2021, ước tính có tới 169.000 người Việt Nam mắc bệnh lao và căn bệnh này gây tử vong cho hơn 14.200 người. Bệnh lao cũng đưa nhiều gia đình vào cảnh đói nghèo. Năm 2023, ước tính trong cả nước có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.
Mỗi năm Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, số bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức là có tới 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới.
Theo WHO, Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất thế gới.
Theo PGS, TS, Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, công tác chống lao trong cả nước còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Trong đó, còn tới hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Theo thống kê, TP.HCM là một trong những tỉnh thành có số người mắc bệnh lao cao nhất cả nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 17.000 - 19.000 ca mắc, khiến áp lực đối với việc tầm soát, điều trị bệnh lao của ngành y tế thành phố không hề nhỏ. Theo số liệu của Chương trình Chống lao, năm 2022 số ca lao mới các thể của cả nước là 169.000 (173 trường hợp/100.000 dân), trong khi đó của TP.HCM là 19.628 ca (227 trường hợp/100.000 dân). Tử vong do lao tại TP.HCM năm 2022 ghi nhận 297 trường hợp.
Tại Hà Nội, dịch tễ lao đang xếp ở mức trung bình tại khu vực miền Bắc (51/100.000 dân) với 4.057 bệnh nhân lao các thể được phát hiện năm 2023. Năm 2024, mục tiêu mà Chương trình Chống lao TP Hà Nội đặt ra là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân. Ngoài ra, giảm tỷ lệ tử vong do lao trên địa bàn thành phố xuống dưới 4 người/100.000 dân. Những con số và mục tiêu trong tầm soát, điều trị bệnh lao đang tạo ra những áp lực đối với ngành y tế cả nước và mỗi địa phương.
Hiệu quả từ việc tích hợp AI vào tầm soát bệnh lao
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, số người mắc bệnh lao tại Việt Nam không có triệu chứng lao điển hình như sốt, sốt về chiều, ra mồ hôi đêm,… chiếm tỷ lệ khá lớn. Việc phát hiện và sàng lọc bệnh sớm là rất cần thiết. Tuy nhiên, các phương pháp xét nghiệm truyền thống lại tương đối tốn kém, không thể thực hiện đại trà cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có triệu chứng lao.
Đứng trước thử thách kể trên, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI) và X-quang đang mở ra một hướng đi mới cho việc tầm soát bệnh trên diện rộng. Thực tế, Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai AI trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. Việc ứng dụng AI trong phát hiện sớm bệnh lao đã tăng gấp đôi so với trước. Với công nghệ này, AI sẽ được tích hợp vào các máy X-quang và có phần mềm hỗ trợ đọc phim, AI sẽ hỗ trợ các bác sĩ tìm những bệnh nhân nghi mắc lao dựa trên các tổn thương, từ đó bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn lao chính xác hơn.
TP.HCM là một trong nhữn địa phương tiên phong triển khai hệ thống tích hợp AI vào đọc phim X-quang để phát hiện bệnh lao, đang gặt hái được nhiều thành công ấn tượng thời gian qua
Với phương pháp này, kể cả các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, nơi còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa lao, công nghệ trí tuệ nhân tạo được tích hợp cũng sẽ có thể giúp phát huy một cách hiệu quả trong việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng.
Năm 2020, kế hoạch “Hoạt động can thiệp dự phòng, tìm kiếm ca bệnh và kết nối điều trị trong Chương trình Chống lao tại TP.HCM trong giai đoạn 2020 – 2025” (kế hoạch 5) đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Kế hoạch sẽ được triển khai tại các quận của TP.HCM bao gồm quận 4, 5, 6, 6, Bình Chánh, Gò Vấp, Hóc Môn và TP.Thủ Đức. Rất nhiều nhà tài trợ trong nước và quốc tế đã tham gia hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cấu hình khác nhau của kế hoạch, bao gồm CDC Foundation, CDC Hoa Kỳ, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, IRD VN, Stop TB Partnetship, trực thuộc UNOPS…
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – cơ sở đi đầu trong hoạt động thăm khám, điều trị bệnh lao của TP.HCM đã cùng với các Trung tâm y tế quận/huyện, tổ chống lao quận/huyện và các đối tác, tổ chức phi chính phủ để triển khai các cơ sở sàng lọc X-quang tại các trạm y tế xã, phường và các địa điểm khác trong cộng đồng. Từ tháng 8/2020 đến cuối tháng 9/2022, Kế hoạch đã thực hiện tầm soát lao động cho 176.800 người qua bắn X-quang cánh.
Trong đó có 18.478 người được xét nghiệm PCR và đã phát hiện 3.955 trường hợp lao. Kế hoạch cũng cung cấp các gói hỗ trợ xã hội và hỗ trợ kinh tế cho bệnh nhân lao, kịp thời đưa ra những lời khuyên hữu ích trong việc nâng cao năng lực cơ sở kinh tế của thành phố, thay đổi cải thiện các kiềm chế và phòng chống nhiễm khuẩn…
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động thăm khám, điều trị, từ năm 2023, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cũng đã triển khai việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đọc phim và chuẩn đoán bệnh này, nhằm hỗ trợ các y bác sĩ nâng cao năng lực, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Việc áp dụng nằm trong kế hoạch triển khai CĐS của bệnh viện nói chung và của ngành y tế thành phố nói chung.
Xét nghiệm lao (đọc tiêu bản lao) tại Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao TP.HCM, việc ứng dụng AI trong việc tầm soát bệnh lao được chứng minh là hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường độ chính xác, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu loại trừ bệnh lao tại Việt Nam nói chung và TP.HCM vào năm 2035 nói riêng. “Việc sử dụng AI trong việc phòng chống bệnh lao là một bước rất quan trọng, mang lại hi vọng và sự phát triển bền vững cho sức khỏe cộng đồng”, bác sĩ Lân cho biết.
Với những nỗ lực của toàn ngành y tế TP.HCM, trong năm 2023, chương trình chống lao của thành phố đã tầm soát bệnh bằng AI cho hơn 70.000 người tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và trong cộng đồng. Các con số đáng khích lệ vẫn tiếp tục được ghi nhận trong năm 2024.
Bước sang năm 2024, kể từ tháng 3, mô hình sử dụng AI tích hợp vào các thiết bị X quang để tầm soát bệnh lao tiếp tục được mở rộng ra nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố. Với sự hỗ trợ của Chương trình chống lao TP.HCM và tổ chức phi chính phủ Những người bạn hỗ trợ điều trị bệnh lao quốc tế - FIT, Trung tâm y tế quận 8 đã triển khai tầm soát lao miễn phí cho người dân trên địa bàn phường 2, quận 8.
Chương trình đã tầm soát cho những người có nguy cơ mắc lao cao gồm người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao, người mắc các bệnh như HIV, viêm gan siêu vi B/C, các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người trên 60 tuổi, đặc biệt là những người có triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, sốt về chiều, đổ mồ hôi đêm,…
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 400 người dân, trong đó phát hiện 75 trường hợp có nghi ngờ mắc lao thông qua hình ảnh tim phổi bất thường và những người này tiếp tục được xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert để cho ra kết luận sau cùng. Sự thành công tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và quận 2 đã tiếp sức cho việc mở rộng áp dụng trí tuệ nhân tạo tại nhiều quận huyện khác trên địa bàn thành phố.
Bác sĩ tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tập huấn kỹ thuật sử dụng máy X-quang AI cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM
Như vậy, với sự có mặt của các thiết bị được tích hợp AI trong đọc phim X-quang, việc phát hiện các triệu chứng nghi lao trở nên hiệu quả hơn. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn – Phụ trách phòng khám lao động thuộc trung tâm y tế quận 8: “Nếu như trước đây, bệnh nhân pahri đợi kết quả chụp X-quang đến hàng giờ đồng hồ thì hiện nay, với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết quả được trả trong vài giây. Từ đó, người bệnh có cơ hội được chăm sóc nhanh chóng, không phải ngồi chờ. Cơ sở khám chữa bệnh cũng giảm được nhiều áp lực”.
Cùng với những tiến bộ về khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi số quốc gia, áp dụng trong ngành y tế, điển hình như việc áp dụng AI trong tầm soát bệnh lao tại TP.HCM đang đem đến những cơ hội được chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả nhất cho người bệnh. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng y tế cho toàn xã hội. Đây cũng là phương hướng mà nhiều cơ sở y tế trong cả nước đang hướng tới hiện nay.
CTV Huệ Linh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/tam-soat-benh-lao-bang-ai-dien-hinh-cds-thanh-cong-nganh-y-te-tphcm-post1130501.vov