Tân Kim tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế

Tân Kim tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều hộ dân ở xã Tân Kim tận dụng địa thế vườn đồi để phát triển chăn nuôi gà kết hợp trồng cây lâu năm.
Tân Kim là xã miền núi của huyện Phú Bình, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 2.138ha, trong đó trên 62% diện tích vườn đồi. Để phát huy lợi thế này, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân tích cực trồng rừng sản xuất kết hợp chăn nuôi gà, gia súc. Đến nay, 100% diện tích đất lâm nghiệp của xã đã được trồng cây keo; tổng cộng có trên 840.000 con gia cầm các loại (tăng gần 20.000 con so với năm 2020), trên 1.600 con trâu, bò (tăng gần 300 con). Trên địa bàn cũng có gần 50 trang trại quy mô lớn và vừa.
Ông Trần Tiến Vượng, xóm Hải Ninh, cho biết: Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, tôi đã cải tạo đất và trồng 4ha cây keo. Cứ sau khoảng 5-6 năm trồng là có thể khai thác, thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Nguồn thu từ rừng đã giúp gia đình tôi có vốn để tiếp tục tái đầu tư, phát triển cây ăn quả có múi và xây sửa nhà cửa khang trang.
Cùng với định hướng tuyên truyền, UBND xã Tân Kim cũng chủ động đề xuất và phối hợp với phòng chuyên môn của huyện triển khai các mô hình sinh kế phù hợp với lợi thế của địa phương. Các hộ tham gia được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn khoa học kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi. Nổi bật như mô hình nuôi bò sinh sản; chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, trồng rau an toàn vụ đông. Thông qua hình thức hỗ trợ trực tiếp, người dân đã có chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế.
Để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hằng năm, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học; nuôi trâu, bò sinh sản.... Riêng từ năm 2023 đến nay, UBND xã đã phối hợp tổ chức được 25 lớp tập huấn với trên 1.000 lượt người tham gia. Sau khi tập huấn, người dân có thêm kiến thức để ứng dụng vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi tốt hơn.
Nhờ trông rừng sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Kim có thu nhập khá.
Anh Hà Văn Thủy, ở xóm Châu, chia sẻ: Năm nào tôi cũng tham gia các lớp tập huấn do xã phối hợp tổ chức về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trị bệnh cho gà. Từ những kiến thức học được, tôi áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình và thu được hiệu quả cao. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi 2 lứa gà với tổng số lượng 10.000 con; trung bình mỗi lứa cho thu lãi từ 30 đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, xã cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, dư nợ cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đạt hơn 43,4 tỷ đồng với trên 1.000 hộ vay; dư nợ cho vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đạt trên 70 tỷ đồng với hơn 370 hộ vay.
Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, đời sống của người dân trên địa bàn xã Tân Kim đã được nâng lên rõ rệt, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo là 4,16% (giảm 0,8% so với năm 2022); thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng 33 triệu đồng so với năm 2020).
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Lê Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Kim sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời khuyến khích người dân liên kết phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu nông sản của địa phương.
Phan Trang
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/tan-kim-tan-dung-loi-the-de-phat-trien-kinh-te-ddd16c9/