Tăng cường hiệu quả dịch vụ môi trường rừng

Tăng cường hiệu quả dịch vụ môi trường rừng
3 giờ trướcBài gốc
Tuyên truyền các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ảnh: CHÍ HIẾU
Ngun kinh phí hu ích
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đặng Việt Bắc, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh, mỗi năm đơn vị nhận khoảng 4-5 tỉ đồng tiền DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Số tiền này được sử dụng cho việc chi lương trong các hoạt động bảo vệ rừng; giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân tại xã Sông Hinh; thực hiện công tác tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ tuyên truyền…
“Với 36 người đang thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ lâm phần khoảng 26.000ha, nguồn kinh phí từ DVMTR giúp đơn vị hoạt động và vận hành hiệu quả hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với những đơn vị đang làm công tác quản lý bảo vệ rừng như chúng tôi”, ông Bắc cho biết.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đến nay, DVMTR thu được hơn 8,4 tỉ đồng (đạt 77,4% kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt và bằng 103% cùng kỳ năm 2023 - hơn 8,2 tỉ đồng). Trong đó, trung ương điều phối hơn 6,6 tỉ đồng, thu trong tỉnh hơn 1,7 tỉ đồng.
Số tiền mà đơn vị này giải ngân đến thời điểm này là hơn 8,9 tỉ đồng, bao gồm: thanh toán tiền DVMTR năm 2023 cho các chủ rừng; tạm ứng tiền DVMTR năm 2024 cho các chủ rừng; tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR năm 2024; hỗ trợ cây trồng phân tán năm 2024…
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng hỗ trợ cây trồng phân tán cho đoàn thanh niên trồng tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Ảnh: CHÍ HIẾU
Ông Huỳnh Văn Mạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cho biết: “Hiện các chủ dự án vẫn còn nợ tiền trồng rừng thay thế, ảnh hưởng đến công tác giải ngân, khi diện tích hơn 28,5ha đã được phê duyệt hồ sơ thiết kế cho các đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, chúng tôi xác định nhiệm vụ và nỗ lực hoàn thành, đảm bảo tiêu chí hoạt động của quỹ. Cụ thể, nguồn tiền DVMTR được chi trả và tạm ứng cho các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp kịp thời để các chủ rừng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng thuận lợi và tốt hơn. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với kiểm lâm kiểm tra, giám sát kết quả chăm sóc lần 2 năm 2024 và trồng rừng thay thế năm 2024 của các đơn vị này; tạm ứng, thanh toán tiền trồng rừng thay thế theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và giải ngân đúng quy định”.
Cũng theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, đơn vị này sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), để người dân nhận thức được các chính sách chi trả DVMTR, gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời hỗ trợ cây trồng phân tán tại các xã có cung ứng DVMTR tại huyện Sông Hinh.
Đẩy mnh tuyên truyn
Ngoài nhiệm vụ huy động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo quy định, nhiều năm qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đích đến của quỹ là giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm với các chính sách chi trả DVMTR cũng như trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Người dân được hưởng lợi từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT
Từ năm 2022-2024, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức 13 lớp tuyên truyền tại các xã: Sông Hinh, Ea Bar, Ea Ly (huyện Sông Hinh), Cà Lúi, Phước Tân (huyện Sơn Hòa), Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Đối tượng tham dự là chủ rừng thuộc hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với khoảng 60 chủ rừng/lớp. Quỹ đã cấp phát hơn 300 ấn phẩm truyền thông về chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực quan, bảng hiệu, pano... cùng thông điệp chi trả DVMTR là động lực thúc đẩy hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Với việc hỗ trợ trồng cây phân tán từ tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ giúp các địa phương tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần bảo vệ môi trường, mà còn mong muốn phong trào trồng cây sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến với nhiều người dân.
Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với các tổ chức trên địa bàn tỉnh tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai… góp phần tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho nhiều tầng lớp nhân dân duy trì phong trào trồng cây hàng năm; tạo môi trường cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và không khí trong lành cho môi trường sống.
“Chúng tôi đề cao nhiệm vụ tuyên truyền trong thời gian tới, giúp chủ rừng hiểu rõ hơn về các chính sách chi trả DVMTR theo quy định. Điều này gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bởi công tác tuyên truyền hiệu quả sẽ giúp chính quyền địa phương quan tâm và hưởng ứng tích cực khi triển khai các nhiệm vụ của đơn vị”, ông Huỳnh Văn Mạnh nói thêm.
Năm 2012, UBND tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Đây là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở NN&PTNT. Đơn vị này có nhiệm vụ vận động, tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tổ chức thẩm định, xét chọn chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án…
NGÔ NHẬT
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/82/322619/tang-cuong-hieu-qua-dich-vu-moi-truong-rung.html