'Tăng cường kết nối với các tập đoàn lớn Samsung, Toyota... để Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu'

'Tăng cường kết nối với các tập đoàn lớn Samsung, Toyota... để Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu'
một ngày trướcBài gốc
Sáng 27/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức tọa đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường".
Còn nhiều thách thức với ngành công nghiệp trong nước
Tại tọa đàm TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI cho rằng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức rõ ràng và sự chuẩn bị chủ động khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả khảo sát do VCCI tiến hành năm 2022 cho thấy có gần 65% doanh nghiệp Việt chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hơn 50% doanh nghiệp không xác định mục tiêu khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá sơ qua về thực trạng của cách doanh nghiệp công nghiệp trong nước, TS Lương Minh Huân cho biết, mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành vẫn còn thấp. Đơn cử, điện tử vốn là lĩnh vực có giá trị xuất khẩu cao nhưng tỷ lệ nội địa hóa thực chất chỉ ở mức dưới 10%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.
TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: AM).
Chuyên gia cho hay, nhiều doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào các khâu lắp ráp, gia công đơn giản và còn phụ thuộc nặng vào linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lưu ý là nhiều số liệu nội địa hóa hiện nay được tính cả phần do doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam. TS Lương Minh Huân nhấn mạnh, đây không phải là nội địa hóa thực sự bởi phần lớn các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thực sự làm chủ được công nghệ, thiết kế hay cung ứng vật tư đầu vào.
Theo lý giải của ông Huân, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với các khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do một số lý do như thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả; thiếu năng lực tài chính, công nghệ; thiếu sự kết nối trong chuỗi giá trị cung ứng và các biện pháp xúc tiến thị trường…
Trình bày tham luận tại tọa đàm, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho rằng ngành công nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như: năng lực sản xuất trong nước còn phân tán, thiếu tính hệ thống; tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành còn thấp.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu; khó khăn trong tiếp cận công nghệ nguồn và liên kết với các doanh nghiệp FDI lớn; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống đào tạo chuyên ngành phù hợp.
Cần tăng cường kết nối DN trong nước với các DN đầu chuỗi
Để tăng cường định vị doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Chu Việt Cường cho rằng trong thời gian tới, cần xây dựng năng lực công nghiệp tự chủ và chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào ba trụ cột chính.
Trong đó, đối với trụ cột công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông đề nghị khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, nâng cấp thiết bị – quy trình – chất lượng sản phẩm. Với liên kết ngành và phát triển cụm công nghiệp, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với doanh nghiệp sản xuất tại các vùng cũng như giữa doanh nghiệp và các viện, trường. Song song đó, cần tập trung vào trụ cột thứ ba là nhân lực và kỹ thuật chất lượng cao để hỗ trợ tự động hóa, số hóa và vận hành chuỗi hiệu quả.
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. (Ảnh: AM).
Ông Cường thông tin thêm, trong thời gian qua,Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, Trung tâm tập trung vào một số hoạt động trọng tâm, bao gồm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp đầu chuỗi như: Samsung, Toyota… nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, từ đó đưa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, tư vấn, hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất, đổi mới quy trình, áp dụng các công cụ quản trị; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm cho doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; tư vấn doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới chủ động tham gia chuỗi giá trị.
Chia sẻ quan điểm tương tự, TS. Lương Minh Huân cũng cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đầu ngành để khắc phục một “rào cản văn hóa” rất phổ biến hiện nay là thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp cùng khu vực dù có năng lực bổ trợ lẫn nhau.
Đồng thời, ông đề xuất tập trung vào phát triển các doanh nghiệp trụ cột trong ngành, đồng thời hỗ trợ hệ sinh thái vệ tinh xung quanh họ. Cùng với đó, thúc đẩy chia sẻ thông tin, công cụ, nền tảng số hóa quản trị, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng chịu nhiều hạn chế về nguồn lực.
Theo TS. Lương Minh Huân, để đạt được mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2030 như Nghị quyết 68 đã đặt ra, các chính sách như hỗ trợ tín dụng, đào tạo nhân lực, nâng cao năng suất chất lượng cần tiếp tục được thực thi mạnh mẽ và hiệu quả, đặc biệt là "đưa chính sách đến đúng doanh nghiệp cần, đúng thời điểm và đúng nhu cầu".
Anh My
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/tang-cuong-ket-noi-voi-cac-tap-doan-lon-samsung-toyota-de-viet-nam-tro-thanh-nha-cung-cap-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau.html