Tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh

Tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 08/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình Quốc hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật gồm 9 chương và 64 điều, trong đó có 30 điều kế thừa luật hiện hành.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)
So với luật hiện hành, dự thảo luật lược bỏ 54 điều. Đó là, lược bỏ quy định về Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành… Nội dung lược bỏ này, theo Tổng Thanh tra, để thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cũng để thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, dự thảo luật đã sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại 23 điều. Cụ thể, tại Điều 7, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra; căn cứ ban hành quyết định thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, ban hành kết luận thanh tra… cũng được sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành.
Sau khi sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ. Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở. Vì vậy, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến bổ sung nhiệm vụ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ đối với Bộ không có Thanh tra Bộ”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ”.
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)
Thanh tra tỉnh sẽ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc sở và UBND các cấp”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các sở”.
Dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; bổ sung quy định về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra trong hoạt động thanh tra để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tổng Thanh tra nhấn mạnh: “Qua việc lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022, sửa đổi, hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, đã cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra”.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ bản tán thành vì phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về sự phù hợp, tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục với hoạt động thanh tra mà về bản chất gồm 2 loại: Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, hiện đang được luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau. Đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ quan tâm, lưu ý vấn đề này trong tổ chức triển khai thực hiện luật để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. (Ảnh: QH)
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Việc này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Dự luật đã bổ sung định bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến thanh tra không còn phù hợp với dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi; phương án xử lý các trường hợp phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện, không để khoảng trống pháp lý hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp./.
Theo laodongthudo.vn
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/tang-nhiem-vu-quyen-han-cho-thanh-tra-chinh-phu-thanh-tra-tinh-post70658.html