Quang cảnh thảo luận tại Tổ 11
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, sáng 13.2, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La (Tổ 11) đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín cũng như tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu
Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) quan tâm đến vấn đề phân cấp, ủy quyền tại Khoản 1, Điều 18. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, những việc này còn thể hiện rất khái quát. Ngay cả quy định về trường hợp không được phân cấp, ủy quyền cũng khái quát, chung chung. Bởi vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, trong khi chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo cần rà soát, liệt kê cụ thể các trường hợp được phân cấp, ủy quyền.
Về nghĩa vụ, quyền hạn của Chính phủ, tại điểm đ, Khoản 8, Điều 10 quy định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tán thành việc trao quyền này cho Chính phủ để tăng tính chủ động của Chính phủ trong quản lý, tổ chức bộ máy, góp phần hướng đến chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. Luật cũng cần thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 và Quy định số 70 (2022) của Đảng là thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo, xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị…
Ngoài ra, dự thảo Luật cần làm rõ hơn để cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Đảng là rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW ngày 28.2.2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Mỹ Dung phát biểu
Về Điểm b, Khoản 1, điều 19 dự thảo Luật quy định HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực và an sinh xã hội trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Theo ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An), việc ban hành các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ khó, chưa bảo đảm tính khả thi, điều kiện về nguồn lực do HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa chủ động được các nguồn lực, kinh phí, vẫn còn phụ thuộc vào ngân sách do tỉnh phân bổ.
Đồng thời, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND cấp huyện chỉ có thẩm quyền ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương . Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định sao cho phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị bỏ hình thức thu hồi văn bản vì không phù hợp với các hình thức xử lý văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐBQH Nguyễn Duy Mạnh (Đà Nẵng) thì đề nghị trao quyền và trao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các cấp. Chủ tịch UBND được quyết định các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng, thẩm quyền ban hành các chính sách dân tộc, tôn giáo trong luật cũ được quy định khá rõ. Tuy nhiên, tại các dự thảo luật hiện hành, vấn đề này lại khá mờ nhạt do đó, đại đề nghị cần rà soát lại.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An phát biểu
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, trật tự, vị trí, của các điều trong nghị quyết chưa thực sự hợp lý. Nên sắp xếp lại cho đúng về vị trí, tên gọi của Nghị quyết. Điều 11 về rà soát văn bản, không nên đứng riêng cần nghiên cứu “gom” vào cùng với điều tổ chức thực hiện. Một số nội hàm trong các điều cũng chưa hợp lý, chưa đầy đủ; chủ thể cũng chưa thể hiện rõ ràng.
Tin và ảnh: Khánh Ninh