PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Quang Khánh
Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tại Talkshow “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật – nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều nay, 10.2, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội.
Tách bạch quy trình chính sách với quy trình soạn thảo – cải cách quan trọng
Từ thực tế triển khai Luật BHVBQPPL năm 2015, ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số vướng mắc. Trong đó, quy trình chính sách được thực hiện gắn, lồng ghép với việc lập Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hằng năm. Điều này chưa đảm bảo tính linh hoạt của Chương trình.
Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp. Ảnh: Quang Khánh
Nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế và khơi thông các nguồn lực để kinh tế phát triển, ông Đức cũng cho biết, dự thảo Luật BHVBQPPL (sửa đổi) quy định đổi mới toàn diện quy trình theo hướng: vừa bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng, tiết kiệm, vừa nâng cao “năng suất”, vừa chú trọng bảo đảm “chất lượng” VBQPPL; bảo đảm đánh giá tác động thực chất; bảo đảm cơ chế tiếp thu, giải trình, ý kiến góp ý, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Do vậy, theo thiết kế mới đã có sự tách bạch giữa quy trình chính sách với quy trình soạn thảo.
Cũng theo ông Đức, quy trình chính sách sẽ được thực hiện trong phạm vi Chính phủ và cơ quan trình, gồm 4 bước cơ bản: xác định chính sách, đánh giá tác động; lấy ý kiến, tham vấn chính sách; thẩm định chính sách; thông qua chính sách. Còn quy trình soạn thảo gồm các bước: tổ chức việc soạn thảo; lấy ý kiến, đăng tải, phản biện xã hội; thẩm định; xem xét, quyết định việc trình Quốc hội; thẩm tra; UBTVQH cho ý kiến; Quốc hội thông qua.
“Mục đích của việc phân tách rõ này là để chúng ta có cơ hội, có điều kiện làm tốt hơn chính sách. Khi đã phân định rõ như vậy chúng ta thực hiện khâu xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách sẽ thực chất hơn. Chính sách được xây dựng phải rõ ràng, cụ thể để căn cứ vào nội dung của chính sách đã xây dựng, kết quả đánh giá tác động chính sách để lựa chọn chính sách, lựa chọn giải pháp thực hiện chính sách. Căn cứ vào đó, chúng ta mới có thể soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng cũng như đẩy nhanh quá trình xây dựng một đạo luật hơn so với hiện nay, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Đó là những điều tôi cho rằng dự thảo Luật lần này đã làm được”, ông Đức nhận định.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Quang Khánh
Khẳng định việc tách bạch quy trình chính sách và quy trình soạn thảo như dự thảo Luật là một cải cách quan trọng, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, Luật hiện hành quy trình chính sách khá phức tạp, nhiều thủ tục không thực sự cần thiết. Theo Luật hiện hành, các đề nghị xây dựng luật cũng có thể coi là các đề án chính sách cần cần phải được trình các cơ quan, ủy ban của Quốc hội thẩm tra và nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Như vậy, một dự án luật các cơ quan của Quốc hội phải thẩm tra 2 lần: thẩm tra chính sách và sau đó là thẩm tra dự thảo luật.
Trong khi đó, theo dự thảo Luật BHVBQPPL (sửa đổi) thì quy trình chính sách hoàn toàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan trình. Cơ quan trình luật là người đề xuất xây dựng luật cũng là người lựa chọn, quyết định và thông qua các chính sách. Các cơ quan của Quốc hội chỉ thẩm tra dự thảo luật sau khi đã được hoàn chỉnh, trình Quốc hội. Quy trình này vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình dự thảo Luật, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhận định.
Các đại biểu tại Talkshow: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật – nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Trả lại đúng “vai” của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra
Theo quy định của Luật hiện hành, sau khi dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến thì cơ quan thẩm tra sẽ chủ trì việc tiếp thu, giải trình và báo cáo Quốc hội, cơ quan trình dự án Luật trở thành cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, với dự thảo luật lần này, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là cơ quan trình dự án Luật, nghị quyết có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, quy định này là việc đổi “vai”, tuy nhiên theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, đó là việc trả lại đúng “vai” của cơ quan trình dự án luật cũng như cơ quan thẩm tra. Nói nôm na như chúng ta thường nói là cơ quan trình luật chịu trách nhiệm đến cùng về dự án luật do mình trình trước Quốc hội. Cơ quan thẩm tra có thẩm quyền rất lớn, thậm chí có thể tham mưu cho Quốc hội chưa nên thông qua dự án luật nhưng không nên làm thay và làm giảm vai trò, thẩm quyền của cơ quan trình luật, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nói.
TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Ảnh: Quang Khánh
Với những quy định bổ sung mới, dự thảo Luật lần này được các chuyên gia, người dân kỳ vọng rất nhiều. TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định mới của dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Phải bám sát thực tiễn, phát hiện vấn đề và đề xuất xây dựng luật một cách có chất lượng để có thể là giải quyết được vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Theo dự thảo luật, việc ủy quyền lập pháp của Quốc hội cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật cũng như việc phân cấp giữa các cơ quan Chính phủ với các bộ và chính quyền địa phương trong việc xây dựng pháp luật cũng rất mới và rõ ràng.
Nhấn mạnh việc được phân, được giao quyền hạn nhiều thì trách nhiệm cũng phải tăng lên, TS. Dương Thị Thanh Mai cho rằng, trách nhiệm ở đây là trách nhiệm đến cùng của mỗi một cơ quan, trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì quy định trách nhiệm chung chung mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Chỉ rõ thực trạng này, TS. Dương Thị Thanh Mai cho rằng, trong dự thảo Luật đã quy định rất rõ, không làm tròn trách nhiệm, như: để xảy ra chậm trễ về mặt tiến độ xây dựng và không đảm bảo chất lượng ban hành văn bản QPPL, nếu như để xảy ra lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thì người đứng đầu của các cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Theo đó, chịu trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm hành chính, xử lý kỷ luật, và kể cả trách nhiệm hình sự. "Nếu Luật được Quốc hội thông qua, sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là những người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật", TS. Dương Thị Thanh Mai khẳng định.
Thành An