Tạo đà cho thể thao Việt vươn mình

Tạo đà cho thể thao Việt vươn mình
4 giờ trướcBài gốc
Ngành thể thao cũng đã được yêu cầu tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đây là một nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc giữ ổn định thành tích thể thao đỉnh cao. Trên thực tế, tinh gọn bộ máy là một yêu cầu mang tính nội tại của ngành thể thao, đã được triển khai hơn 2 thập niên qua dưới hình thức xã hội hóa và chuyển giao công tác điều hành cho các liên đoàn, hiệp hội. Tuy nhiên, việc tinh gọn này cho đến nay còn nhiều điểm chưa thành công. Ngân sách chi thường xuyên cho thể thao dù không nhỏ nhưng luôn trong tình trạng thiếu do hoạt động thiếu hiệu quả của bộ máy quản lý.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện yêu cầu tinh gọn phù hợp với kỷ nguyên mới của đất nước và vẫn bảo đảm hoạt động huấn luyện - thi đấu tương xứng với các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thể thao gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư trọng điểm hơn nữa cho các môn trọng điểm. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số triệt để trong đời sống thể thao cả ở góc độ quản lý và chuyên môn.
Hiện tỷ lệ chuyển đổi số trong thể thao là khá thấp. Chưa nói đến sự thiếu hụt hàm lượng công nghệ phục vụ cho các đội tuyển thành tích cao, mà ngay hoạt động quản lý vẫn theo mô hình cũ. Sự lạc hậu trong quản lý không khác gì thêm “điều kiện môi trường” nảy nở các hiện tượng tiêu cực như cắt xén khẩu phần ăn của vận động viên năng khiếu, chi tiêu sai nguyên tắc, thiếu minh bạch tiền bồi dưỡng vận động viên... từng xảy ra thời gian qua. Ngay hoạt động tổ chức giải đấu, vận động tài trợ, truyền thông... của nhiều liên đoàn cũng còn yếu về công nghệ tương tác với khán giả nên nguồn thu ngày càng teo tóp, thu không đủ chi, mất đi ý nghĩa cốt lõi của mục tiêu “giảm quản lý nhà nước, tăng tự chủ xã hội hóa”.
Ứng dụng công nghệ, nhất là các nền tảng phổ biến tiên tiến của thế giới, từng bước chuyển đổi số trong các khâu căn bản, có tính quyết định như khoa học dinh dưỡng thể chất, tuyển chọn tài năng..., đó sẽ là hành động bắt buộc, có tính quyết định để thể thao Việt Nam tạo đà cho khát vọng vươn mình. Khi hàm lượng công nghệ càng lớn thì ngành thể thao cũng dễ dàng phân bổ hoặc giao nhiệm vụ đầu tư các môn trọng điểm về các trung tâm huấn luyện quốc gia hay liên đoàn, hiệp hội mà không lo đến việc phình to bộ máy quản lý, tránh tình trạng “vừa bế em, vừa xay lúa”.
Xu hướng chung của thể thao thế giới là đầu tư có trọng tâm vào công nghệ, dinh dưỡng. Vận động viên được tuyển chọn, đánh giá và được dự báo thành tích để đầu tư dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với nền tảng Big Data (dữ liệu lớn) nhằm tráng lãng phí thời gian và tiền của cho việc đào tạo. Những giải pháp về công nghệ cũng tác động mạnh đến những hoạt động phụ trợ như truyền thông, tài chính, ví dụ như các giải đấu được livestream trên nền tảng OTT (dịch vụ truyền thông trực tiếp trên internet) thay vì truyền hình truyền thống, các vận động viên tham gia mạng xã hội tích cực, chủ động để tạo ảnh hưởng cho môn chơi và thu hút tài trợ. Điều này cho phép ngành thể thao tinh gọn bộ máy mà vẫn đảm bảo theo kịp kế hoạch phát triển chung.
Tóm lại, tính ổn định về thành tích cũng như tiềm năng của thể thao nước nhà vừa là nền tảng, vừa là đòi hỏi với ngành thể thao khi bước vào năm mới 2025, năm bản lề cho công cuộc chuyển đổi và đột phá phát triển.
YẾN PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tao-da-cho-the-thao-viet-vuon-minh-post777240.html