Tạo nền tảng vững chắc phát triển công nghiệp xe quân sự

Tạo nền tảng vững chắc phát triển công nghiệp xe quân sự
13 giờ trướcBài gốc
Phóng viên (PV): Vai trò của xe quân sự và mục tiêu của Đề án 4461 là gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí, trang bị kỹ thuật giữ vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả tác chiến. Với khả năng cơ động nhanh, giáp bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh, xe quân sự có thể chế áp, tiêu diệt mục tiêu, làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn... Thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây cho thấy vai trò quan trọng của xe quân sự. Các loại xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép đa dụng, xe chỉ huy, trinh sát... được quân đội các nước sử dụng rộng rãi trong tác chiến.
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết.
Thời gian qua, ngành CNQP Việt Nam từng bước làm chủ khoa học-công nghệ trong nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp, cải tiến, hiện đại hóa một số dòng xe quân sự. Đây là tiền đề quan trọng để Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án 4461 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Mục tiêu của đề án là hình thành lĩnh vực công nghiệp xe quân sự Việt Nam độc lập, tự chủ, hiện đại, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp quốc gia; đủ năng lực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, thử nghiệm các dòng xe quân sự chủ lực. Xác định rõ yêu cầu làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định trong nước và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để công nghiệp xe quân sự phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tác chiến của Quân đội trong tình hình mới.
PV: Đồng chí nói rõ hơn về mục tiêu phát triển công nghiệp xe quân sự hiện đại, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp quốc gia và yêu cầu tác chiến của Quân đội ta?
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, CNQP được xác định phải gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trong đó, công nghiệp xe quân sự là thành phần cốt lõi, phát triển đồng bộ về tổ chức lực lượng, năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa và hệ thống quản lý chất lượng.
Thực tế cho thấy, xe quân sự bánh lốp có nhiều điểm tương đồng với ô tô dân dụng về nền tảng công nghệ và chuỗi cung ứng, như: Thiết kế khung gầm, động cơ, hộp số, hệ thống treo, hệ thống điện-điện tử điều khiển xe... Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta tranh thủ công nghệ và hạ tầng cũng như chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô dân dụng phục vụ sản xuất xe quân sự, nhất là các dòng xe vận tải, xe chở quân, xe hậu cần... Ngoài ra, những yêu cầu nghiêm ngặt về độ bền cao, chịu tải lớn, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của xe quân sự sẽ thúc đẩy công nghiệp ô tô dân dụng đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, vừa phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, vừa góp phần hình thành chuỗi cung ứng nội địa ổn định, nâng cao năng lực tự chủ và giảm phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.
Về phương diện nghệ thuật quân sự, xe quân sự không chỉ hiện đại, đa năng mà phải phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, phương thức tác chiến, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vì thế, yêu cầu phát triển các dòng xe quân sự đặc chủng phải có khả năng cơ động cao, có khả năng lội nước, vượt địa hình phức tạp, dễ bảo trì trong điều kiện dã chiến và có khả năng tích hợp vũ khí, khí tài hiện đại phục vụ tác chiến nhanh, chính xác, bất ngờ...
Xe tăng hành tiến qua lễ đài trong buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Các loại xe quân sự hành tiến qua lễ đài trong buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: SƠN HUY HƯNG
PV: Việc lựa chọn sản phẩm, mẫu xe cơ sở và bảo đảm vòng đời cho xe quân sự theo Đề án 4461 được xác định như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Đề án xác định có trọng điểm các sản phẩm mục tiêu, tập trung vào các dòng xe quân sự chiến lược, tích hợp vũ khí hiện đại; có khả năng triển khai nhanh, chính xác, đáp ứng yêu cầu tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Thực tiễn chiến tranh hiện đại đã chứng minh, bên nào có lực lượng cơ giới mạnh, bên đó có khả năng chiếm giữ trận địa, địa bàn chiến lược tốt hơn, kiểm soát nhịp độ tác chiến tốt hơn và thậm chí xoay chuyển được cục diện chiến trường.
Thay vì phát triển riêng lẻ từng loại phương tiện, đề án chủ trương áp dụng thiết kế tiêu chuẩn hóa, modul hóa, lựa chọn một số dòng xe cơ sở tiêu chuẩn làm nền tảng chung để phát triển các biến thể chuyên dụng, như: Xe chỉ huy, xe trinh sát, xe thông tin, xe chở quân, xe vận tải kỹ thuật ... Các dòng xe KLTV (Hàn Quốc), Boxer (Đức), Stryker (Mỹ)... là minh chứng về hiệu quả của mô hình này. Khi các biến thể cùng sử dụng chung khung gầm, hệ thống động-truyền lực và nhiều cụm chi tiết sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nghiên cứu, sản xuất; đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật (BĐKT).
Công tác BĐKT theo vòng đời của xe quân sự là nội dung quan trọng của đề án. Các sản phẩm xe quân sự được tích hợp sẵn các yếu tố phục vụ bảo trì, sửa chữa, thay thế và nâng cấp theo chu kỳ sử dụng, tạo thuận lợi cho việc tổ chức BĐKT liên tục, hiệu quả trong suốt vòng đời khai thác. Trên cơ sở đó, đề án đặt mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở từ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đến sửa chữa tại các cơ sở CNQP, hình thành mạng lưới BĐKT liên hoàn, đáp ứng yêu cầu huấn luyện cường độ cao và tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Đồng thời, tiếp thu kinh nghiệm tổ chức BĐKT của các quốc gia có nền công nghiệp xe quân sự tiên tiến, đề án xác định áp dụng phương thức “thay thế cụm đồng bộ” thay cho phương thức sửa chữa chi tiết, nhằm rút ngắn thời gian xử lý, giảm tải cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, tăng hiệu suất bảo dưỡng và duy trì tỷ lệ sẵn sàng kỹ thuật cao.
PV: Đề án xác định giải pháp nào để tăng tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ công nghệ phụ trợ và xây dựng chuỗi cung ứng, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Đây là một trong những nội dung cốt lõi và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của công nghiệp xe quân sự Việt Nam. Nếu không giải quyết tốt bài toán này, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nguồn linh kiện, vật tư, phụ tùng từ bên ngoài, khó chủ động trong sản xuất và BĐKT, nhất là trong tình huống khẩn cấp hoặc bị bao vây, cấm vận. Đề án xác định: Tăng cường hợp tác với các cơ sở công nghiệp trong và ngoài Quân đội để đặt hàng sản xuất các chi tiết, vật tư kỹ thuật, phụ tùng có khả năng nội địa hóa cao, nhất là các vật tư, linh kiện phổ thông có thể dùng chung cho cả xe quân sự và xe dân sự. Đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất xe quân sự, trong đó xác định rõ ranh giới giữa phần “quân sự” và phần “dân sự” đối với từng sản phẩm để bảo đảm bí mật quốc phòng.
Tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ cho các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất xe quân sự để từng bước tự sản xuất một phần vật tư, linh kiện phụ trợ, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và chủ động về nguồn cung. Triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học-công nghệ trọng điểm, tập trung vào những chi tiết, cụm linh kiện kỹ thuật cao, phức tạp và có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về xe quân sự và các linh kiện, cụm phụ trợ, làm cơ sở đặt hàng sản xuất, kiểm định chất lượng, bảo đảm các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động tham gia chuỗi cung ứng ngay từ đầu.
PV: Theo đồng chí, để phát triển công nghiệp xe quân sự, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hành lang pháp lý như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Đây là 3 trụ cột nền tảng phải được giải quyết đồng bộ mới bảo đảm cho công nghiệp xe quân sự phát triển bền vững. Hiện nay, các nhà máy sản xuất phụ tùng, sửa chữa xe quân sự được hình thành từ lâu, thiết bị cũ, lạc hậu, công nghệ chủ yếu vẫn là gia công cơ khí. Hơn nữa, chúng ta chưa có trung tâm thử nghiệm tổng hợp xe quân sự quốc gia đạt chuẩn quốc tế, có khả năng kiểm tra đồng bộ về độ bền, độ rung, khả năng chống đạn và các yêu cầu kỹ thuật khác. Trong khi đó “phương thức chuẩn xác của tri thức là thử nghiệm”, là khâu không thể thiếu để kiểm chứng chất lượng và khả năng sẵn sàng đưa vào trang bị của sản phẩm. Do đó, đề án xác định đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm chuyên biệt cho xe quân sự.
Công nghiệp xe quân sự đòi hỏi đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân có trình độ cao trong các lĩnh vực như cơ khí động lực, điện tử, tự động hóa, vật liệu... Đề án xác định xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, kết hợp đào tạo trong Quân đội, liên kết với các trường đại học kỹ thuật ngoài Quân đội và thực tiễn tại các nhà máy. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút và giữ chân nhân tài.
Về hành lang pháp lý, hiện chưa có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe quân sự và quy định pháp lý đặc thù cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kiểm định. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng, kiểm tra kỹ thuật, xác lập tiêu chí đặt hàng, thu hút doanh nghiệp ngoài Quân đội tham gia chuỗi cung ứng và đầu tư sản xuất. Do đó, đề án kiến nghị sớm xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho công nghiệp xe quân sự. Trong đó, tập trung ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng dòng xe quân sự; xây dựng cơ chế đăng ký, kiểm định, nghiệm thu sản phẩm với tính đặc thù; xây dựng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi tài chính dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội tham gia phát triển công nghiệp xe quân sự.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
SƠN BÌNH (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-nen-tang-vung-chac-phat-trien-cong-nghiep-xe-quan-su-838131