Tập trung cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn để tăng trưởng đạt 8%

Tập trung cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn để tăng trưởng đạt 8%
4 giờ trướcBài gốc
Phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực hằng tháng, hằng quý. Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu và giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2025 đều từ 8% trở lên, trong đó có nhiều địa phương trên 10% như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Phấn đấu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên
Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trong bối cảnh thuận lợi lẫn khó khăn đan xen khi kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn dù không đồng đều giữa các quốc gia.
Theo Tổng cục Thống kê, có một số thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2025. Ở góc độ sản xuất, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét. Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7 - 9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Ngoài ra, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Đặc biệt, đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới, diễn biến và nội lực của kinh tế Việt Nam những năm qua, mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ đặt ra là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách, tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá cao việc Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. Đều này cũng cho thấy sự chủ động, linh hoạt của lãnh đạo địa phương.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Theo ông Thịnh, nếu không có yếu tố đột biến, thì GDP năm 2025 có thể tiệm cận 8%.
“Trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước và cả năm đạt 7,09% - cao hơn đáng kể mức 5,07% của năm 2023. Mức tăng trưởng này tương đương tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5 năm trước đại dịch COVID-19 (2015-2019)”, ông Thịnh nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, năm 2025 Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% ở kịch bản trung bình và 8% ở kịch bản tốt nhất. Mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ bắt đầu từ năm 2026.
Tháo gỡ vướng mắc thể chế
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng cần ổn định kinh tế vĩ mô với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, tránh tư duy nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong tăng trưởng.
Ngoài ra, cần cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ.
Chuyên gia khuyến nghị thúc đẩy các động lực tăng trưởng, cải cách thể chế để đạt mục tiêu tăng trưởng
Ông Việt cũng cho rằng cần thúc đẩy động lực phát triển bền vững, dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu để có được tăng trưởng cao; đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương…
Tại họp báo Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số, tức trên 10%.
Ông Phương nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới.
Theo đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: hoàn thiện thể chế pháp luật, đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng… Trong đó, đầu tư được xác định là động lực quan trọng, có tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Phương, một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân.
“Chúng ta cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn”, ông Phương nói và nhấn mạnh đầu tư công cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương
Đáng chú ý là việc triển khai sớm một số dự án quan trọng: tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối quốc tế và khu vực phía bắc; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm tạo trục giao thông huyết mạch kết nối với các tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trong nước cũng như quốc tế; tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái sẽ được xem xét triển khai, nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng và thúc đẩy giao thương.
Đối với đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, ông Phương đề nghị thời gian tới, các doanh nghiệp “đầu đàn” cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Đối với đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần tiếp tục phát huy đà tăng trưởng tích cực của năm 2024, trong đó tập trung vào hai điểm nhấn quan trọng để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Phương cũng nhấn mạnh cần tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư; thúc đẩy tổng cầu và nâng cao sức mua của thị trường nội địa; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao…
Hoài Lam
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tap-trung-cai-cach-the-che-khoi-thong-diem-nghen-de-tang-truong-dat-8-229091.html