Tết Cổ truyền Việt Nam: Nguồn gốc cúng ông Công, ông Táo và tục tảo mộ

Tết Cổ truyền Việt Nam: Nguồn gốc cúng ông Công, ông Táo và tục tảo mộ
7 giờ trướcBài gốc
1. Tên gọi và nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán - hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là: Tết. “Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, có nghĩa là “thời khắc”.
Hai chữ "Nguyên Đán" có gốc chữ Hán: "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán".
Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương "Tết Ta", là để phân biệt với "Tết Tây" (Tết Dương lịch).
Ảnh minh họa (Sưu tầm)
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc, Tết Nguyên Đán cũng là một trong những nét văn hóa của không gian văn hóa á châu.
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: Giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng bảy.
2. Nguồn gốc lễ cúng ông Công, ông Táo
Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích “Hai ông một bà” là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Theo lời kể của dân gian, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi.
Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa, Cao day dứt và nhớ Thị Nhi khôn nguôi, liền lên đường tìm kiếm vợ.
Sau nhiều ngày đi kiếm tìm, Trọng Cao hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Tình cờ, Trọng Cao xin ăn đúng nhà của Thị Nhi, lúc Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi đã sớm nhận ra người ăn xin này đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Vào lúc đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi sợ chồng nghi oan nên bảo Trọng Cao đi trốn dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào định cứu chồng cũ ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo khiến cả ba đều chết trong đám lửa.
Thương tình 3 người sống có nghĩa có tình nên Ngọc Hoàng phong cho làm vua bếp. Theo đó, người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời. Đây là khi Táo Quân lên trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của các gia đình.
3. Lý giải cúng ông Công, ông Táo tại Việt Nam vào ngày 23 tháng Chạp
Phương pháp Huyền Không Đại Lý, phiên tinh ngày, tính theo tháng của phương pháp phi tinh Huyền không trong Địa lý Phong thủy. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung (9 ngày). "Vạn vật qui ư thổ". Tức là: 5 + 9 = 14; 14 + 9 = 23. Trong đó số 9 là độ số vận động theo cửu cung Hà đồ.
Hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ hành vào tháng cuối cùng trong năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch trong một năm. Hành Thổ thuộc Trung cung và thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ hành.
Theo Lý học Đông phương thì đó là trung cung, thuộc về Hoàng tộc, nên là chọn là ngày của Vua Bếp, Táo Quân về trời. Đây chính là nội dung minh triết của hình tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế, quẻ cuối cùng trong chu kỳ Dịch Lý 64 quẻ, tính theo Năm: Táo Quân (Ly Hỏa) cưỡi cá chép (Khảm Thủy) về trời. Tức vào ngày 23 tháng Chạp.
4. Biểu tượng cưỡi cá chép mà không phải loài vật khác
Theo tài liệu cổ ghi lại, đời Tống (Trung Quốc), người dân cúng một con ngựa giấy làm phương tiện cho ông Công ông Táo cưỡi và có 2 con cá (không nói rõ cá gì), một thủ lợn linh nhừ làm đồ ăn cho Táo.
Tại Việt Nam, theo tài liệu của ông Phan Kế Bính ghi lại năm 1915 cho biết, người Việt Nam cúng ông Công ông Táo một con cá chép để làm “ngựa” cho Táo lên trời.
“Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời” - giáo sư Hoạch nói.
Ngoài ra, dân gian vẫn tương truyền sự tích “cá vượt vũ môn” để nói đến việc cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Cá chép hóa rồng còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí và tượng trưng cho nhân cách thanh cao, tiềm ẩn, hướng đến một kết quả tốt đẹp.
“Dân gian đã nhận thức như thế, vì vậy chỉ có cá chép mới có thể cõng ông Công ông Táo lên chầu trời. Những con vật khác đều không có năng lực” - giáo sư Biền nói.
Biểu tượng của sự may mắn và tài lộc
Cá chép trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa gắn liền với sự phồn thịnh, tài lộc và sung túc. Đây là điều mà mọi gia đình mong muốn gửi gắm qua Táo Quân khi lên báo cáo Ngọc Hoàng.
Cá chép được xem là linh vật mang lại sự may mắn, giúp cầu chúc một năm mới bình an, thuận lợi.
Ý nghĩa trong tín ngưỡng thủy thần
Cá chép cũng liên quan đến tín ngưỡng thờ thần nước (thủy thần) trong văn hóa nông nghiệp. Vì Táo Quân vốn cai quản bếp núc - nơi gắn liền với lửa và nước nên cá chép là lựa chọn phù hợp, cân bằng giữa hai yếu tố này.
Truyền thống lâu đời qua tích truyện dân gian
Truyền thuyết kể rằng Táo Quân cần một phương tiện để bay lên trời, và cá chép đã tự nguyện giúp đỡ. Sự lựa chọn này được dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên hình ảnh quen thuộc mỗi dịp 23 tháng Chạp.
5. Tục tảo mộ
Tảo mộ là quét dọn mồ mả. Tảo mộ là hành vi thờ cúng tổ tiên qua việc duy trì và sửa chữa mộ phần của ông bà, cha mẹ, người thân sau ngày tiễn đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) hằng năm. Đây cũng là dịp đoàn tụ con cháu trong tâm tình nhớ ơn ông bà cha mẹ và để làm cho mối tương giao gia đình mật thiết hơn.
Tục tảo mộ của người Việt khác với tục tảo mộ của Trung Hoa như thế nào?
Tục tảo mộ của người Việt thường tập trung vào những ngày trước Tết âm lịch. Tục tảo mộ của Trung Hoa vào tiết Thanh Minh, sau này gộp chung vào Tết Hàn Thực (mùng ba tháng ba âm lịch). Người Việt là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và lâu đời, gần như trở thành một tôn giáo, một cách sống: "Đạo ông bà".
Người phương Tây coi trọng ngày sinh thì người Việt coi trọng ngày mất. Người theo tín ngưỡng dân gian cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Trong nhà, bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Ngày xưa khi cúng lễ thường có nước (hoặc rượu) cùng với những đồ tế lễ khác như vàng mã. Sau khi cúng xong thì đem đốt vàng mã rồi đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn, khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất, theo họ như thế tổ tiên mới nhận được.
Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước - Lửa (âm dương) và Trời - Đất - Nước mang tính triết lý sâu sắc. Người Việt xưa tin linh hồn không mất đi, khi lìa khỏi xác vẫn hoạt động để trợ giúp hay đối nghịch lại với người sống. Linh hồn của người chết vẫn có những nhu cầu như khi còn sống. Vì vậy, họ cần được tôn kính và chăm sóc cẩn thận qua việc cúng tế để khi nhận lễ vật, các linh hồn không bị thiếu thốn và trợ duyên lành cho người thân trên dương gian.
Theo người Việt, tổ tiên được định đến mức bốn đời hay nhiều hơn nữa. Bởi vậy, một số các đình đền, gia đình người Việt có khám thờ hay bàn thờ CỬU HUYỀN THẤT TỔ: Chín đời cháu và bảy đời tổ tiên. Trong đó:
Cửu huyền: Kỷ (bản thân) là một đời, lên trên bốn đời và xuồng dưới bốn đời. Tính từ dưới lên trên như sau: huyền tôn (chít, cháu sơ), tằng tôn (chắt, cháu cố), tôn (cháu nội), tử (con trai), KỶ (chính mình), phụ (cha), tổ phụ (ông nội), tằng tổ (ông cố), cao tổ (ông sơ).
Theo quan niệm này, mình (kỷ) đã vay công ơn của bốn đời trên thì sẽ trả lại cho bốn đời con cháu sau này.
Thất tổ: Bảy đời tính từ dưới lên trên: phụ (cha – nhất tổ), tổ phụ (ông nội - nhị tổ), tằng tổ (ông cố - tam tổ), cao tổ (ông sơ – từ tổ), tiên tổ (ngũ tổ), viễn tổ (lục tổ), thỉ tổ (thất tổ).
Theo quan niệm này, thờ từ cha mình đến thất tổ rồi cũng mở rộng đến tổ tiên của dân tộc là các vua Hùng (giỗ của các vua Hùng nay là quốc giỗ - ngày 10 tháng 3 âm lịch). Người Việt Nam lấy đạo hiếu làm trọng.
Trong đó, con cháu nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng khi các ngài còn sống; khi các ngài đã qua đời, việc thờ kính để tưởng nhớ tổ tiên đồng thời dâng hiến lễ vật để các ngài hưởng dùng. Theo tín ngưỡng dân gian, con người có ba phần: hồn, xác và vía (còn gọi là phách). Trong đó, ba hồn bảy vía (với nam), ba hồn chín vía (với nữ). Ba hồn đó là tinh, khí, thần. Vía là yếu tố vô hình tồn tại phụ vào thân xác và tạo nên phần tinh thần của con người, khi người chết thì cũng mất đi. Trường hợp hôn mê nghĩa là vía và hồn rời khỏi xác ở các mức độ khác nhau.
Lời kết
Tết không chỉ là dịp khởi đầu một năm mới mà còn là thời khắc để mỗi người Việt Nam nhớ về nguồn cội, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ ý nghĩa của tên gọi "Tết Nguyên Đán", nguồn gốc sâu xa đến các phong tục như lễ cúng ông Công, ông Táo, tục tảo mộ,... tất cả đều thể hiện tinh thần gắn bó của gia đình và lòng thương tưởng tới tổ tiên.
Trong nhịp sống hiện đại, những phong tục này không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối các thế hệ, giúp mỗi chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm và trân quý hơn những giá trị gia đình, cộng đồng.
Đầu năm mới 2025, trên tinh thần Phật giáo, Tết Nguyên Đán là dịp để mỗi người thực hành tâm hoan hỉ, vun bồi lòng từ bi và sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, đoàn viên với gia đình. Đây không chỉ là thời điểm chung vui, thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta gắn kết sâu sắc hơn với giá trị văn hóa dân tộc, trong sự tỉnh thức và trí tuệ. Thực hành các tục lệ truyền thống như lễ cúng ông Công, ông Táo hay các nghi thức ngày Tết cần được giữ gìn với tinh thần trân trọng, hướng thiện, gìn giữ nét cổ truyền, tránh xa vào sự mê tín.
Hãy xem đó là phương tiện để nuôi dưỡng lòng biết ơn và xây dựng một đời sống hài hòa, tốt đẹp hơn. Nguyện cầu năm mới mang đến bình an, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Chúc bạn đọc cùng gia đình một mùa xuân viên mãn, an lạc và thành tựu mọi thiện duyên!
Phạm Tuấn Minh sưu tầm
Tài liệu tham khảo chính: Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Tác giả: Nguyễn Hạnh, NXB Trẻ, 2023.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tet-co-truyen-viet-nam-nguon-goc-cung-ong-cong-ong-tao-va-tuc-tao-mo.html